Linh hoạt, sáng tạo trong sử dụng thiết bị dạy học
Ở nhiều trường học khu vực vùng sâu, vùng xa có cơ sở vật chất dạy học còn nhiều khó khăn thiếu thốn, các giáo viên đã linh hoạt, sáng tạo thiết bị dạy học phù hợp tình hình thực tế, nhưng vẫn luôn mong mỏi có sự quan tâm đầu tư hơn nữa để có thể thực hiện đổi mới hoạt động giáo dục theo yêu cầu đề ra.
♦ Cô Đỗ Thị Xuân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn): Mong có đủ ti vi cho mỗi lớp
Bậc tiểu học đòi hỏi rất nhiều thiết bị dạy học ở các khối lớp như: ti vi, đài cassette, tranh, ảnh… Tuy nhiên, do điều kiện đặc thù ở vùng khó khăn, nguồn lực đầu tư hạn chế, nhà trường vẫn chưa bảo đảm yêu cầu mỗi lớp 1 ti vi nên thiết bị này đang ưu tiên cho khối 1. Cụ thể là bố trí khối 1 vào học tại dãy nhà mới của trường, mỗi lớp 1 ti vi; từ khối 2 đến khối 5, mỗi khối 1 ti vi. Các thiết bị dạy học còn lại được phân theo khối để giáo viên linh hoạt sử dụng dựa trên kế hoạch dạy học từng phân môn.
Sở dĩ, các thiết bị dạy học đều ưu tiên cho học sinh khối 1 vì đây là học sinh đầu cấp; các em còn nhiều bỡ ngỡ, chưa thích nghi với môi trường mới. Trường cũng bố trí giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm dạy lớp 1, năng lực chuyên môn giỏi để khai thác thiết bị tối đa, hiệu quả nhất. Khi sử dụng ti vi, giáo viên khai thác học liệu hỗ trợ học sinh nhận diện chữ cái rõ ràng, đồng bộ, tiến tới học đồng thời các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; khai thác giáo án điện tử; tổ chức hoạt động hoạt náo (múa, hát tập thể, chơi trò chơi…) tạo sự vui nhộn, thoải mái cho học sinh.
Học sinh của trường phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều em gia đình thuộc diện khó khăn nên trường gần như không huy động xã hội hóa được từ phía phụ huynh và học sinh. Năm học 2024 – 2025, nhà trường rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, nhà tài trợ trong và ngoài tỉnh để mỗi lớp có 1 ti vi.
♦ Thầy Nguyễn Hữu Hiệp - Giáo viên Trường THCS Cư Pui (huyện Krông Bông): Đầu tư thiết bị công nghệ cùng với nâng cấp đường truyền Internet
Trong dạy và học môn Ngữ văn theo chương trình GDPT 2018 có danh mục thiết bị dạy học: bộ học liệu điện tử, học liệu số, tranh, ảnh các loại… Tuy nhiên, do nguồn đầu tư hạn chế nên không có đủ thiết bị để tổ chức dạy học, giáo viên khắc phục bằng cách sử dụng thiết bị công nghệ thông tin (ti vi, điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay) trình chiếu tranh, ảnh, phim tư liệu… có nội dung liên quan đến bài học.
Sau khi xem phim tư liệu, tranh, ảnh, học sinh sẽ chủ động thực hiện nhiệm vụ liên quan: trình bày suy nghĩ, góc nhìn, chính kiến của mình về đoạn phim đã xem; liên hệ với các vấn đề có tính thời sự; tranh luận, phản biện về chủ đề bài học…
Quá trình tương tác đó đã kích thích tư duy sáng tạo của học sinh; giúp các em tiếp cận bài học một cách chủ động, từ đó có những cảm nhận mới mẻ, độc đáo, đa chiều về tác phẩm, đưa bài học đến gần với cuộc sống…
Thực tế cho thấy rất cần tăng cường đầu tư đồng bộ trang thiết bị phục vụ dạy học cho các trường; nâng cấp đường truyền Internet giúp giáo viên, học sinh khai thác hiệu quả các thiết bị phục vụ nhu cầu dạy và học. Nhà xuất bản các bộ sách cần có hệ thống các bài dạy mẫu hiệu quả, tạo thành kho dữ liệu để giáo viên dễ dàng tìm hiểu, lựa chọn cách thức triển khai các tiết học đa dạng, phù hợp với năng lực của học sinh.
♦ Cô H Lim Niê - giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar): Linh hoạt trong sáng tạo và sử dụng đồ dùng dạy học
Mặc dù nhà trường đã có phòng thiết bị đồ dùng dạy học nhưng một số thiết bị đã cũ, hư hỏng, xuống cấp không đáp ứng yêu cầu dạy và học. Để khắc phục, các giáo viên đã cùng nhau tự làm đồ dùng học tập phù hợp với nội dung bài học; bảo đảm tính chính xác, khoa học, thẩm mỹ.
Trong quá trình dạy học, tôi nhận thấy học sinh dân tộc thiểu số của trường có những hạn chế trong việc nhớ các con số và nắm được vị trí các chữ số. Do đó, tôi đã nghiên cứu và thiết kế Bộ đồ dùng dạy học Toán lớp 1 với bảng sáng tạo chứa các số từ 1 - 100. Bảng làm bằng giấy bìa cứng chia thành 100 ô vuông, tạo khung, đồng thời lấy giấy màu cắt thành hình các bông hoa rồi ghi số ở giữa để gắn vào ô vuông. Khi học đến số nào, giáo viên sẽ hướng dẫn đến số đó và các bài học có liên quan. Bảng sáng tạo gắn ở góc lớp, giúp học sinh đạt được yêu cầu về kiến thức, kỹ năng mà giáo viên không phải mất nhiều thời gian trong việc viết đi viết lại thứ tự dãy số tự nhiên liên tiếp từ 1 - 100 trong nhiều tiết học.
Qua đó có thể thấy, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước cũng rất cần phát huy vai trò chủ động tích cực sáng tạo của giáo viên, tùy tình hình thực tế mà linh hoạt ứng dụng sao cho hiệu quả. Để làm được thiết bị - đồ dùng dạy học, giáo viên cần xác định được đối tượng giảng dạy; phương pháp sử dụng thiết bị dạy học để tiết dạy sinh động, dễ hiểu… khiến học sinh hứng thú với bài học.
Nhật Minh - Huyền Diệu (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc