Multimedia Đọc Báo in

Khơi dậy tinh thần sáng tạo trong thanh thiếu nhi

08:24, 12/11/2024

Qua 12 lần tổ chức, Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Cuộc thi) do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức đã trở thành sân chơi bổ ích, khơi dậy niềm đam mê khoa học, ươm mầm tài năng sáng tạo cho thế hệ trẻ.

Khơi dậy tiềm năng sáng tạo

Năm 2024, Cuộc thi nhận được sự tham gia của đông đảo thanh thiếu niên, nhi đồng với nhiều sản phẩm trí tuệ phong phú, đa dạng thuộc 5 lĩnh vực gồm: đồ dùng dành cho học tập; phần mềm tin học; sản phẩm thân thiện với môi trường; các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Trong đó, nhiều đề tài mang tính ứng dụng, có giá trị thực tiễn, được Ban giám khảo đánh giá cao.

Nổi bật có thể kể đến đề tài “Thiết kế bộ truyện tranh song ngữ tiếng Việt – Êđê giúp em học tốt bộ môn tiếng Êđê và một số tác phẩm văn học trong chương trình giáo dục địa phương tỉnh Đắk Lắk" của nhóm tác giả H’Rên Niê Kđăm và Lý Phương Hạnh (Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Cư M’gar). Đây là bộ truyện tranh độc đáo gồm 6 tập giới thiệu về phong tục, tập quán, truyền thống yêu nước, văn hóa, con người, ẩm thực… của người Êđê. Với nội dung trình bày song ngữ, hình ảnh minh họa sinh động, đây là một sản phẩm giáo dục nhằm hỗ trợ việc học tiếng Êđê, đồng thời giúp học sinh hiểu rõ hơn về các tác phẩm văn học địa phương, qua đó góp phần bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhóm tác giả H’Rên Niê Kđăm (bên phải) và Lý Phương Hạnh (Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Cư M’gar) bên bộ truyện tranh song ngữ tiếng Việt - Êđê.

Đề tài "Sử dụng trí tuệ nhân tạo để xây dựng website giúp nhận biết các loài cây quý hiếm hỗ trợ bảo tồn sinh thái – Greenlink” của 4 học sinh Lê Hữu Diệu Uyên, Nguyễn Hà Minh Anh, Nguyễn Gia Huy, Phan Nguyễn Quốc Huy (Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt, TP. Buôn Ma Thuột) được đánh giá có tiềm năng không chỉ về mặt công nghệ mà còn có lợi ích to lớn trong việc bảo tồn và bảo vệ môi trường sinh thái.

Tác giả Lê Hữu Diệu Uyên chia sẻ, đây là công trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nhận biết các loài thực vật, nhất là các loài thực vật trong Sách đỏ Việt Nam một cách hiệu quả và chính xác. Người dùng có thể chụp ảnh các loài thực vật bằng điện thoại đưa lên trang web Greenlink, ngay lập tức website sẽ phân tích kết quả bao gồm tên loài, tình trạng bảo tồn, vị trí và các thông tin liên quan.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều đề tài sáng tạo được các em học sinh dày công nghiên cứu mang tính ứng dụng cao như: “Chế phẩm sinh học diệt rầy rệp và sâu ăn lá cho rau màu từ cây cỏ lào, cây dã quỳ và lá cà chua”; “Sử dụng trí tuệ nhân tạo nhận diện hình ảnh đuối nước tại hồ bơi”; “Nghiên cứu chế tạo màng nhựa sinh học thân thiện với môi trường dựa trên ứng dụng nuôi cấy hỗn hợp vi khuẩn và nấm men”…

Lan tỏa sâu rộng

Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vương Hữu Nhi, qua nhiều năm tổ chức, Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đắk Lắk đã thực sự khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của các em thanh thiếu niên, nhi đồng trong toàn tỉnh, giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo để trở thành những nhà sáng chế trong tương lai. Cuộc thi cũng là sân chơi bổ ích góp phần động viên, khuyến khích và tôn vinh các nhà sáng tạo trẻ trong toàn tỉnh.

Nhờ công tác tuyên truyền sâu rộng đến tất cả các địa phương, đơn vị, trường học, các em học sinh đã hiểu biết được ý nghĩa sâu sắc của cuộc thi, qua đó tham gia nhiều đề tài có ý nghĩa về mặt khoa học, thiết thực trong đời sống, phục vụ trong học tập cũng như ứng dụng trong thực tiễn. Qua các năm, số lượng và chất lượng đề tài ngày càng được nâng cao. Nếu như năm 2023 có 255 đề tài, ý tưởng tham gia, qua sơ tuyển đã chọn ra được 96 đề tài để tham gia cấp tỉnh thì đến năm 2024, Ban tổ chức đã nhận được 109 đề tài được sơ tuyển trong số 276 đề tài.

Ban tổ chức trao giải Nhất cho các tác giả đoạt giải tại cuộc thi.

Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Cư M’gar có 2 đề tài đoạt giải tại Cuộc thi. Trong đó, đề tài “Thiết kế bộ truyện tranh song ngữ tiếng Việt – Êđê giúp em học tốt bộ môn tiếng Êđê và một số tác phẩm văn học trong chương trình giáo dục địa phương tỉnh Đắk Lắk” đã đoạt giải Nhất tại Cuộc thi cấp tỉnh và giải Khuyến khích tại Cuộc thi toàn quốc lần thứ  20, năm 2024.

Cô Vương Thị Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Cư M’gar cho biết, với đặc thù của nhà trường, bên cạnh nhiệm vụ giáo dục kỹ năng kiến thức, nâng cao chất lượng dạy học thì hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc cho học sinh luôn được chú trọng. Do đó, khi các em có những ý tưởng, mong muốn được quảng bá, phát huy văn hóa dân tộc mình, giáo viên đã hết sức hỗ trợ, định hướng, hướng dẫn để hoàn thiện đề tài, sản phẩm. Nhà trường kỳ vọng, học sinh các dân tộc đang theo học tại đây sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa bằng nhiều hướng sáng tạo khác nhau, có thể thông qua các hoạt động trải nghiệm, hoặc các sản phẩm như: truyện tranh, mô hình, sản phẩm STEM… Qua đó, giới thiệu về văn hóa của dân tộc mình đến với các dân tộc khác, làm cho văn hóa của dân tộc ngày càng được lan toả.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.