Niềm vui giản dị của giáo viên dạy trẻ hòa nhập
Trong giáo dục hòa nhập, để bảo đảm quyền được học cho học sinh hòa nhập và học sinh bình thường trong một môi trường an toàn, thân thiện nhưng vẫn nghiêm túc, giáo viên đóng vai trò hết sức quan trọng.
Theo học hòa nhập tại Trường THCS Ea Phê (xã Ea Phê, huyện Krông Pắc), hai em N.Đ.Q.(SN 2010) và T.T.N.T. (SN 2012) cảm thấy thoải mái, tự tin vì được tạo điều kiện học tập, vui chơi như bao học sinh bình thường.
Với kinh nghiệm gần 40 năm công tác trong ngành giáo dục, thầy Lê Trọng Hoàng, Hiệu trưởng Trường THCS Ea Phê đã nỗ lực tạo dựng môi trường học tập bình đẳng, tất cả học sinh đều được tôn trọng và tạo điều kiện phát triển, các em có khiếm khuyết luôn được thầy cô quan tâm tạo điều kiện hòa nhập.
Trực tiếp dạy các em, cô Trương Thị Mộng Huyền cho hay, với trẻ khuyết tật, mỹ thuật không chỉ giúp các em thể hiện khả năng sáng tạo mà còn là cầu nối để hòa nhập hiệu quả với cộng đồng.
Do đó, trong tiết học, cô Huyền thường sử dụng phương pháp vẽ, tô tranh minh họa theo chủ đề bài học để truyền đạt kiến thức; tạo điều kiện cho các em được tự do thể hiện bản thân trong lớp học mà không ảnh hưởng các bạn khác, không bị gò bó bởi bất kỳ khuôn mẫu nào.
Mỗi khi hết tiết học, em Q. thường chạy lên phòng thầy cô líu lo kể những câu chuyện của mình với giọng nói còn ngọng nghịu. Được các thầy cô chăm chú lắng nghe, thưởng bánh kẹo động viên, Q. rất vui chạy đi khoe với bạn bè...
Buổi học chính khóa của học sinh Trường THCS Ea Phê (huyện Krông Pắc). |
Cũng như Q., với em T., mỗi ngày đến trường là một hành trình khám phá thế giới mới khi được vui chơi với các bạn, được thầy giáo cô giáo truyền đạt kiến thức theo chương trình riêng; đặc biệt là được trang bị những kỹ năng sống cần thiết để em có thể tự tin bước vào đời.
Cô Phan Thị Kim Hoa, giáo viên Trường THCS Lê Văn Tám (huyện Krông Ana) tâm sự, hầu hết học sinh hòa nhập đều đã có thời gian học tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh nên các em có những hiểu biết căn bản, nhất định. Tuy nhiên, để có thể học hòa nhập thuận lợi, không chỉ các em mà giáo viên cần có sự nỗ lực rất lớn. Mỗi giáo viên cần tự học, tự trau dồi kỹ năng để cải thiện môi trường học tập, tạo điều kiện để các em được kết nối, vui chơi cùng bạn. Bởi sự hòa nhập hiệu quả tại lớp, tại trường là nền tảng để các em hòa nhập tốt trong cộng đồng nơi các em sinh sống.
Cô giáo Cao Thị Tâm (huyện Krông Pắc), cán bộ nòng cốt của Dự án BodyTalk truyền đạt cho học sinh kiến thức chăm sóc sức khỏe bản thân. |
Cô Lê Thị Kim Tín, giáo viên Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (huyện Buôn Đôn) đã có nhiều năm dạy học sinh hòa nhập tại trường. Cô Tín cho hay, tùy vào mức độ khuyết tật mà khả năng học tập, hòa nhập của mỗi em khác nhau nhưng đa phần các em đều trầm tính, tự ti, ít nói so với những học sinh khác nên giáo viên phải khéo léo tìm cách tiếp cận. Mỗi khi gặp các em cô luôn hỏi han, trò chuyện một cách vui vẻ, thân mật để các em cảm nhận được sự quan tâm, tin cậy. Dần dần các em trở nên tự tin, cởi mở hơn, biết chủ động chào hỏi và trò chuyện tự nhiên khiến cô rất vui.
Là cán bộ nòng cốt của dự án BobyTalk - một dự án về nâng cao kiến thức, sức khỏe cho thanh thiếu niên khuyết tật - cô giáo Cao Thị Tâm (huyện Krông Pắc) đang nỗ lực truyền tải thông tin của dự án đến với nhiều trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thông qua mạng xã hội, gặp gỡ trực tiếp... Theo đó, để tạo dựng môi trường hòa nhập hiệu quả thì tất cả các giáo viên cần phải tham gia vào quá trình giáo dục hòa nhập với một trái tim nhiệt huyết, yêu thương. Ở trường, trong giờ ra chơi, các bác bảo vệ, nhân viên hay chính mỗi học sinh sẽ là những người bạn thân thiết, sẵn sàng bảo vệ và chăm sóc khi học sinh học hòa nhập cần.
Thanh Trúc
Ý kiến bạn đọc