Tấm lòng thầy cô nơi vùng khó
Với lòng yêu nghề và trái tim tràn đầy nhiệt huyết, nhiều giáo viên, tập thể nhà trường đã có những cách làm thiết thực, ý nghĩa nhằm sẻ chia, đồng hành cùng học sinh nơi vùng khó, tiếp sức các em đến trường.
Sẻ chia yêu thương
Gần 10 năm nay, Quỹ học bổng hỗ trợ học sinh khó khăn của Trường THPT Trần Đại Nghĩa (xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn) đã khích lệ tinh thần, đồng hành cùng học trò vượt khó. Thầy Lê Văn Nhất, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, trường đứng chân trên địa bàn còn nhiều khó khăn, nhiều học sinh không có điều kiện thuận lợi để đi học. Do đó, nhà trường triển khai xây dựng Quỹ học bổng nhằm động viên tinh thần và hỗ trợ phần nào cho những học sinh khó khăn hoặc không may rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo.
Với ý nghĩa đó, mỗi dịp phát động gây quỹ hằng năm, không chỉ tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường mà nhiều phụ huynh, học sinh, nhà hảo tâm cũng tình nguyện chung tay đóng góp. Mọi khoản đóng góp đều được nhà trường công khai, minh bạch. Vào dịp sơ kết, tổng kết năm học, Tết Nguyên đán, trường sẽ xét chọn trao học bổng cho các em có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, mồ côi…
Trung bình mỗi năm trao tặng cho khoảng 50 em với trị giá mỗi suất học bổng từ 300.000 - 500.000 đồng. Bên cạnh đó, quỹ cũng dành một khoản dự phòng để hỗ trợ đột xuất cho những trường hợp không may gặp biến cố trong cuộc sống. Đối với những trường hợp quá ngặt nghèo, cùng với trích tiền từ nguồn quỹ, tập thể nhà trường cũng sẵn sàng đóng góp hỗ trợ các em.
Giáo viên Trường THPT Trần Đại Nghĩa chung tay ủng hộ Quỹ học bổng hỗ trợ học sinh khó khăn. |
Như trường hợp của em Đàm Thị Tuyết Như (trú xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) có hoàn cảnh rất bi đát khi nhà nghèo, trong khoảng thời gian ngắn cả mẹ và bố em lần lượt qua đời do bạo bệnh, để lại hai chị em bơ vơ. Nắm bắt hoàn cảnh đó, chỉ sau một ngày vận động, tập thể nhà trường đã chung tay ủng hộ và trao đến gia đình em Như số tiền hơn 11,5 triệu đồng, động viên gia đình nguôi ngoai nỗi đau, vượt qua cơn ngặt nghèo.
Thầy Nhất cho hay, hiện Ban Khuyến học của trường đang xây dựng kế hoạch hoạt động cũng như xin chủ trương, ý kiến cấp trên để công nhận Quỹ khuyến học, khuyến tài của nhà trường, hoạt động theo đúng mục đích, quy định để có thể mở rộng phạm vi vận động nhằm có điều kiện hỗ trợ thêm nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn nữa.
Không chỉ hỗ trợ về vật chất, Trường THPT Trần Đại Nghĩa còn thành lập Tổ tư vấn tâm lý học đường, xây dựng hộp thư, trang Fanpage hỗ trợ tư vấn tâm lý trực tuyến cho học sinh. Qua đó, giúp học sinh có cơ hội giãi bày và được giải đáp những vướng mắc trong học tập, tình cảm và cuộc sống...
"Kéo" học sinh đến trường
Gắn bó với sự nghiệp trồng người ở xã Ea M’droh (huyện Cư M’gar) từ khi nơi đây còn là vùng đất đường sá cách trở, thầy Hà Mạnh Tuân (giáo viên Tổng phụ trách Đội của Trường THCS Ngô Mây, xã Ea M’droh) đã trải qua muôn vàn khó khăn, trong đó có việc vận động, hỗ trợ học sinh đến trường.
Thầy Tuân nhớ có trường hợp hai anh em người dân tộc Hrê gia đình vô cùng khó khăn, đứng trước nguy cơ bỏ học, mà việc vận động các em đi học càng gặp khó khi gia đình né tránh, không tiếp cận được. Thầy Tuân phải phối hợp cùng giáo viên chủ nhiệm, chính quyền thôn, buôn kiên trì nhiều lần đến tận nhà các em, vừa vận động thuyết phục, vừa hỗ trợ thêm về dụng cụ học tập. Kết quả thật đáng mừng khi sau đó gia đình đã hiểu ra, hai anh em đã tiếp tục đến trường, học hết cấp THCS.
Theo thầy Tuân, trong công tác vận động, căn cứ vào hoàn cảnh thực tế của từng học sinh, giáo viên phải linh hoạt cũng như phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền thôn, buôn; khéo léo trong trao đổi, vận động gia đình quan tâm học sinh; kết hợp vận động hỗ trợ từ các nguồn lực xã hội…
Thầy Hà Mạnh Tuân (giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Ngô Mây) tham gia dạy bơi miễn phí cho học sinh vào mỗi dịp hè. |
Công tác tại ngôi trường đứng chân trên địa bàn vùng khó, thầy Tuân luôn trăn trở làm sao để khích lệ, hỗ trợ cũng như mang đến những điều tốt đẹp nhất cho học sinh, giúp các em thích đến trường. Do đó, với vai trò giáo viên Tổng phụ trách Đội, thầy Tuân vận động, triển khai các chương trình hỗ trợ học sinh; đồng thời tạo sân chơi cho các em như: hỗ trợ đồ dùng học tập, trao học bổng, tổ chức trò chơi dân gian, thể thao, văn nghệ, vui Tết, sáng tạo khoa học kỹ thuật…
Trong 5 năm qua, thầy Tuân còn đồng hành với các lớp dạy bơi miễn phí, giúp trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ em ở các thôn, buôn vùng sâu trên địa bàn huyện Cư M’gar vào mỗi dịp hè. “Bản thân luôn mong muốn học sinh được đến trường, tiếp cận với giáo dục, có niềm yêu thích với học tập và rèn luyện kỹ năng để phát triển bản thân”, thầy Tuân trải lòng.
Hành trình mang yêu thương đến học trò nghèo vẫn nối dài với những giáo viên giàu lòng yêu người, yêu nghề, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Đó là thầy giáo Nguyễn Văn Tâm (huyện Ea H’leo) với chương trình cơm trưa yêu thương miễn phí cho học sinh nghèo ở xa trường; là thầy giáo Mai Văn Chuyền (huyện Cư M’gar) với những “lớp học yêu thương”, lớp dạy bơi miễn phí cho học trò vùng sâu; hay cô Nguyễn Thị Vân Nhi (huyện M’Drắk) vượt mọi khó khăn, bám trường, bám lớp gieo con chữ…
Huyền Diệu
Ý kiến bạn đọc