Multimedia Đọc Báo in

Thành tựu rực rỡ của nền văn minh Thung lũng Indus

07:29, 29/08/2021

Văn minh Thung lũng Indus là nền văn minh rực rỡ thời cổ đại đầu tiên của Ấn Độ, được xếp trong danh mục những cái nôi văn minh lớn nhất của nhân loại.

Theo Bách khoa thư mở, nền văn minh Thung lũng Indus (còn quen gọi là nền văn minh lưu vực sông Ấn hoặc nền văn minh Harapan) là nền văn minh thời cổ đại đầu tiên dọc theo sông Ấn ở phía Tây Bắc của tiểu lục địa Ấn Độ. Nền văn minh Thung lũng Indus được các nhà khảo cổ học người Anh phát hiện năm 1922. Nó trải dài gần hết lãnh thổ Pakistan cũng như nhiều phần của Ấn Độ và Afghanistan ngày nay trên tổng diện tích khoảng 1.250.000 km², lớn hơn Ai Cập cổ đại và nền văn minh Lưỡng Hà (Mesopotamia) cộng lại.

Dấu tích kiến trúc của nền văn minh Thung lũng Indus.

Cho đến nay đã có hơn 1.050 di chỉ thuộc nền văn minh Thung lũng Indus đã được xác định, phần lớn dọc theo sông Ấn, trên 140 thành phố và làng mạc đã được tìm thấy. Hai đô thị lớn nhất là Harappa và Mohenjo-Daro, bên cạnh đó còn có nhiều thành phố lớn như Dholavira, Ganweriwala, Lothal và Rakhigarhi. Thời kỳ hoàng kim, nền văn hóa sông Ấn được phỏng đoán có trên 5 triệu dân, phát triển từ nền văn hóa nông nghiệp lâu đời. Những người nông dân ở đây đã biết trồng lúa mì và thuần dưỡng trâu, bò và sử dụng đồ gốm từ 5.500 năm trước Công nguyên (TCN). Từ khoảng 4.000 năm TCN, đậu, vừng, chà là và bông vải đã được trồng và trâu nước - cho đến nay vẫn là động vật thiết yếu cho nông nghiệp Nam Á - được thuần phục.

Nền văn hóa sông Ấn đạt đến một mức độ chính xác đáng kinh ngạc trong đo lường về chiều dài, khối lượng và thời gian. Người ta đã phát triển và sử dụng các đơn vị trọng lượng và kích thước hết sức chính xác. Đơn vị chiều dài nhỏ nhất được tìm thấy trên một thước đo làm bằng ngà voi tại Lothal tương ứng với khoảng 1,704 mm, đơn vị nhỏ nhất trên một thước đo thuộc thời kỳ Đồ đồng đã từng được tìm thấy. Trọng lượng dựa trên đơn vị 0,05; 0,1; 1; 2; 5; 10; 20; 50; 100; 200 và 500, trong đó mỗi đơn vị nặng vào khoảng 28 gram.

Ngoài nạn đói, khí hậu còn nhiều nguyên nhân khác khiến nền văn minh thung lũng Indus diệt vong.

Nền kinh tế lúc bấy giờ đa dạng, được hỗ trợ bởi những tiến bộ trong kỹ thuật vận tải. Các tiến bộ này bao gồm xe do bò kéo rất giống những loại xe này ngày nay tại Nam Á; các loại tàu lớn nhỏ, dạng có buồm có đáy mà vẫn còn nhìn thấy trên sông Ấn ngày nay. Mạng lưới thương mại bao phủ một diện tích rộng lớn, gồm nhiều phần đất của Afghanistan, vùng bờ biển của Iran ngày nay, Bắc và Trung Ấn Độ và vùng Lưỡng Hà. Đặc biệt là cư dân ở đây đã có trao đổi hàng hóa thường xuyên với người Sumer không những bằng đường bộ (qua Iran ngày nay) mà còn bằng đường biển (qua Dilmun, ngày nay là Bahrain).

Về nghệ thuật, người dân của nền văn hóa sông Ấn sản xuất nhiều loại nữ trang khác nhau. Vật liệu ban đầu bao gồm cả đá quý như carnelian, mã não, ngọc thạch anh và lapis lazuli cũng như vàng và các loại đá khác. Vòng đeo tay, dây chuyền và đồ trang sức đeo trên đầu được sản xuất với kỹ năng thủ công tinh xảo, bao gồm mài, đánh bóng và những kỹ năng khác. Bên cạnh đó, nhiều tượng nhỏ làm từ đất sét được tìm thấy, thường là hình tượng phụ nữ mảnh mai và tượng thú vật được chế tạo rất chi tiết.

Theo lịch sử, vào khoảng năm 2000 TCN xuất hiện nhiều biến động lớn. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra lý giải cho sự sụp đổ của nền văn hóa sông Ấn như: sự xuất hiện của người du mục Arian; do khí hậu khiến hệ thống sông Ghaggra-Hakra khô cạn, một phần quan trọng của đất nông nghiệp phì nhiêu đã bị mất đi, khiến nền văn hóa sông Ấn không thể trụ vững được; xung đột quân sự và bệnh tật… Tuy nhiên, tất cả chỉ là giả định, sự biến mất của nền văn minh sông Ấn đến nay vẫn chưa được giải thích rõ ràng và đầy đủ.

Khắc Nam

(Theo WHO/EWO/TIC/THC- 8/2021)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.