Multimedia Đọc Báo in

Khoa học và công nghệ là động lực phát triển kinh tế - xã hội

08:25, 31/05/2023

Cách đây 45 năm, vào ngày 6/6/1978 Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk ký Quyết định số 327/QĐ-UB thành lập Ban Khoa học Kỹ thuật Đắk Lắk, tiền thân của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ngày nay.

Những thành tựu đáng tự hào

Với sự quan tâm đặc biệt đến khoa học và công nghệ, trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch về phát triển lĩnh vực này như:  Nghị quyết 07-NQ/TU, ngày 13/10/2021 của Tỉnh ủy về phát triển KH&CN giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Nghị quyết 07); Nghị quyết 19/NQ-HĐND, ngày 20/7/2022 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển KH&CN tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình 147/CTr-UBND, ngày 07/01/2022 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy.

Nhờ sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị, địa phương, hoạt động KH&CN của tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng - an ninh, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Lãnh đạo Sở KH&CN thăm mô hình ứng dụng KH&CN tại huyện Ea Kar. Ảnh: Ngọc Hương

Trong 45 năm qua, đã có hơn 550 đề tài nghiên cứu khoa học và gần 60 dự án nông thôn miền núi, nhiệm vụ KH&CN cấp thiết, dự án sản xuất thử nghiệm độc lập cấp Nhà nước, dự án thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ được nghiên cứu, triển khai trên địa bàn tỉnh. Trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, chương trình về giống cây trồng, vật nuôi luôn được chú trọng. Ngành KH&CN đã tuyển chọn, sản xuất và nhân nhanh các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt; ưu tiên phục vụ chế biến nông, lâm sản, tăng nhanh sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, cạnh tranh được với thị trường khu vực và thế giới. Một số dự án nông thôn miền núi đầu tư vào các vùng kinh tế chậm phát triển đã mang lại hiệu quả KT-XH sâu sắc và có sức lan tỏa lớn.

Công tác quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hướng dẫn, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, quản lý an toàn bức xạ trên địa bàn ngày càng đi vào nền nếp. Một số kết quả nổi bật như: có trên 2.000 lượt Tiêu chuẩn Việt Nam và hơn 1.200 lượt Tiêu chuẩn ngành được phổ biến, hướng dẫn áp dụng; gần 400.000 lượt phương tiện đo được kiểm định, hiệu chuẩn; hơn 40 doanh nghiệp được trao Giải thưởng chất lượng Việt Nam; có 2.673 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, 1.333 văn bằng bảo hộ được cấp; 73 cơ sở được cấp phép hoạt động an toàn bức xạ; hơn 100 mô hình thư viện điện tử thông tin KH&CN được xây dựng ở cơ sở.

Sở KH&CN đã quan tâm xây dựng, phát triển chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột và nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các đặc sản địa phương như: Hồ tiêu Cư Kuin, Trái cây Buôn Hồ, Gạo Krông Ana, Nấm Krông Ana, Cá lăng đuôi đỏ Hòa Phú - Buôn Ma Thuột, Mắc ca Krông Năng, Gà thịt Ea Kar, Bò thịt Ea Kar, Nai Cư Êbur, Tinh dầu sả Java Ea Tir - Ea H’leo, Cà phê Ea Tu, Xoài Ea Súp. Tổ chức thành công hai chợ công nghệ và thiết bị, qua đó giúp các doanh nghiệp quảng bá, giao thương, ký kết hàng chục hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Công tác thanh tra KH&CN ngày càng đóng góp quan trọng, làm lành mạnh hóa thị trường hàng hóa lưu thông trên địa bàn, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Có 234 cơ quan hành chính nhà nước và hơn 120 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO và các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến khác. Có 9 doanh nghiệp của tỉnh được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, đứng đầu khu vực Tây Nguyên. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, làm tăng giá trị xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh. Mạng lưới hoạt động KH&CN cấp huyện từng bước đi vào ổn định, ngày càng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống.

Động lực phát triển KT-XH

Đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, tiếp cận nền kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để KH&CN trở thành động lực phát triển và thiết thực phục vụ cho mục tiêu phát triển KT-XH địa phương nhanh và bền vững, tỉnh Đắk Lắk cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, xác định phát triển KH&CN là một nhiệm vụ trọng tâm, gắn KH&CN với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của từng ngành, từng cấp; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 19 của HĐND tỉnh và Chương trình số 147 của UBND tỉnh.

Cán bộ Sở KH&CN tham quan vườn thanh long tại xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột.

Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động, huy động mọi nguồn lực, giải pháp để triển khai thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, phục vụ thiết thực, hiệu quả nhất các mục tiêu phát triển của địa phương. Chủ động tham mưu UBND tỉnh bố trí ngân sách đảm bảo cho hoạt động KH&CN, tạo điều kiện để các doanh nghiệp liên kết đầu tư nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ.

Tăng cường hợp tác với các đại học, trường đại học, các viện nghiên cứu để đẩy mạnh hợp tác chuyển giao ứng dụng các thành tựu KH&CN tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm chủ lực. Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ môi trường để phát triển các sản phẩm quốc gia, các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn.

Triển khai thực hiện Chương trình KH&CN phục vụ phát triển KT-XH, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai để phát triển bền vững. Đẩy mạnh chuyển đổi, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, du lịch và bảo vệ môi trường.

Giám đốc Sở KH&CN Đinh Khắc Tuấn.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực KH&CN như: hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ; phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; sở hữu trí tuệ; đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ; an toàn bức xạ và hạt nhân; thanh tra, thông tin, thống kê KH&CN; tăng cường hoạt động KH&CN cấp huyện.

Tập trung nguồn lực đẩy mạnh hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ươm tạo công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn trực tiếp với các nội dung phục vụ định hướng phát triển bền vững KT-XH. Tăng cường đầu tư tiềm lực cơ sở vật chất, hạ tầng cho các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN.

Tập trung đào tạo, chuẩn bị trước một bước nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có trình độ và năng lực sáng tạo cao. Nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù thu hút, đào tạo, đãi ngộ đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các chuyên gia, cán bộ giỏi, có khả năng nghiên cứu, sáng tạo, có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm tạo sự phát triển đột phá cho các ngành, lĩnh vực mà tỉnh có nhu cầu.

Đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mở rộng hội nhập quốc tế, đa dạng hợp tác nghiên cứu khoa học và triển khai hoạt động KH&CN; tích cực trao đổi thông tin, kinh nghiệm và thu hút nguồn lực quốc tế. 

TS. Đinh Khắc Tuấn

Giám đốc Sở KH&CN  Đắk Lắk


Ý kiến bạn đọc