Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ công nghệ tưới tự động trong nông nghiệp

08:24, 09/06/2023

Hệ thống tưới tự động đã giúp nhiều nông dân tiết kiệm được nguồn nước, nhân công và chi phí đầu tư, cải thiện năng suất cây trồng, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững.

Trước đây, anh Trương Văn Quân (xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) phải kéo ống tưới từng gốc cây sầu riêng thì nay anh chỉ cần một động tác bật cầu dao là có thể tưới cho cả vườn cây. Vườn sầu riêng của anh Quân đã lắp hệ thống tưới tự động được ba năm. Trong ba năm qua, việc chăm sóc sầu riêng đối với anh Quân có phần “nhàn hạ” hơn, vì đến mùa nắng nóng, anh chủ động trong việc tưới nước, hạ nhiệt cho cây, từ đó năng suất cây trồng cũng được nâng cao.

Hệ thống tưới tự động cho vườn sầu riêng tại xã Ea Tam (huyện Krông Năng).

Anh Quân chia sẻ: “Trong những giai đoạn quan trọng của cây sầu riêng như làm hoa, kết trái… tôi đều chủ động tưới nước một cách nhanh chóng, dễ dàng. Theo tôi, việc lắp hệ thống tưới tự động giúp người nông dân tiết kiệm thời gian, công làm và chủ động chăm sóc cây trồng. Bây giờ tôi chỉ cần bật cầu dao rồi làm những công việc khác, đến giờ thì chỉ đi tắt cầu dao”.

Trong khi đó, anh Đặng Phan Quốc Khánh (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) có hơn 2 ha trồng ớt áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Lúc mới bắt đầu trồng ớt, anh được một người bạn khuyên nên ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp để giảm chi phí và tăng năng suất nên anh đã mạnh dạn đầu tư 20 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới tự động, hiệu quả khiến anh bất ngờ. Trước đây, lúc nhìn nước nhỏ giọt li ti, anh Khánh nghĩ cây trồng sẽ không đủ nước và rất lo lắng. Tuy nhiên, sau một thời gian quan sát, anh thấy lượng nước tưới, phân bón cho cây trồng vừa đủ, vào đến tận gốc giúp cây hấp thụ tốt và không hề lãng phí nước. Theo anh Khánh, việc tưới nước, bón phân cho cây nay chỉ cần một mình anh thao tác mà không cần phải thuê thêm nhân công. Vườn ớt của anh cho năng suất cao mà chi phí đầu tư giảm nên mang lại lợi nhuận lớn.

Được biết, hiện nay nông dân thường sử dụng hai hệ thống tưới tự động là hệ thống tưới nhỏ giọt và hệ thống tưới béc phun. Hệ thống tưới nhỏ giọt được ứng dụng cho những hộ nông dân trồng rau màu, các loại cây ngắn ngày như: ớt, khoai lang, khoai tây, cà tím… có thể sử dụng ít nhất ba năm. Hệ thống tưới béc phun được ứng dụng cho các loại cây trồng lâu năm như: cà phê, sầu riêng, cam, bưởi… có thể sử dụng gần như lâu dài.

Anh Nguyễn Đình Tiến (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) chỉ cần mở van tưới để vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt tại vườn ớt

Theo anh Nguyễn Đình Tiến (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn), một kỹ thuật viên lắp đặt các hệ thống tưới nước tự động, khi nông dân ứng dụng công nghệ tưới này vào sản xuất có thể giảm công lao động, lượng nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến 50%. Trong khi đó, năng suất có thể tăng từ 20 - 30%. Hiện nay, nhiều trang trại sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã áp dụng công nghệ tưới tự động, đáp ứng nhu cầu sản xuất đa dạng các loại cây trồng trên mọi địa hình, kinh phí lắp đặt dao động từ 15 - 50 triệu đồng/ha, tùy vào chủng loại.

Khi sử dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm này, người dân không phải tốn công đào mương dẫn nước, tự điều chỉnh lượng nước tưới theo nhu cầu của từng loại cây trồng. Ngoài ra còn có thể hòa lẫn các loại phân bón dễ hòa tan như đạm, kali, hay các loại phân bón dạng nước... thông qua bồn pha chế gắn tại van điều chỉnh tổng. Từ đó, phân bón được hòa lẫn vào nước tưới nên cây hấp thụ tốt hơn, năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách tưới truyền thống.

Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là một xu thế tất yếu, trong đó tưới tự động là một trong những công nghệ dễ dàng tiếp cận đối với nông dân. Hiện nhiều đơn vị, hợp tác xã, hộ dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư, nhân rộng mô hình tưới tự động, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nhất là vào mùa hè khi tình trạng thiếu nước, hạn hán xảy ra.

Đinh Hằng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.