Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Sử dụng hiệu quả nguồn lực cho khoa học công nghệ

13:38, 07/06/2023

Sáng 7/6, dưới sự chủ trì và điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đinh Huệ, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại hội trường tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc và chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN).

Chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực KH&CN, các đại biểu tập trung vào các nội dung: Chiến lược phát triển KH&CN quốc gia; Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm KH&CN tiên tiến vào cuộc sống.

Việc ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; Việc bố trí, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho nghiên cứu khoa học thời gian qua, việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển KH&CN quốc gia.

Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường của các đơn vị nghiên cứu, viện, trường, đơn vị sự nghiệp công lập; Cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, về việc hỗ trợ hoạt động chuyển giao, hấp thu công nghệ nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chính sách, cơ chế pháp luật điều chỉnh về vấn đề này đã sẵn có, vấn đề đặt ra là cần áp dụng, triển khai thực hiện sao cho hiệu quả trong thực tiễn.

Bộ trưởng cho rằng, trong thời gian qua, nhiều công nghệ mới tiên tiến đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả trong các ngành y tế, viễn thông, giao thông. Một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. 

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, vẫn còn vướng mắc khi cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy, khó tiếp cận với các doanh nghiệp, các hoạt động kết nối, dịch vụ hỗ trợ đi kém chưa hiệu quả. Nguồn lực từ ngân sách, doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động này còn khiêm tốn, cơ sở hạ tầng hạn chế.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy chương trình tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ nước ngoài vào Việt Nam. 

Về vấn đề liên quan đến trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã xây dựng, hoàn thiện đề án thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia tại TP. Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, dự kiến trong tháng 6 hoặc đầu tháng 7 sẽ ban hành các quyết định thành lập 3 trung tâm này.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: quochoi.vn

Các trung tâm này được lập với mục tiêu khai thác nguồn lực địa phương dành cho đổi mới sáng tạo, hướng tới áp dụng các mô hình thử nghiệm chính sách trong các lĩnh vực mới chưa có quy định nhằm khuyến khích đổi mới, sáng tạo, làm cơ sở để đúc kết kinh nghiệm, nhân rộng hoặc điều chỉnh kịp thời các chính sách, mô hình triển khai trên phạm vi quốc gia. 

Về hiệu quả các đề tài nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm đến hoạt động KH&CN, đổi mới, sáng tạo, cân đối bố trí vốn cho ngành. Dù hoạt động KH&CN có nhiều tính đặc thù, việc tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng là điều rất khó xác định. Điều quan trọng là cần xác định được kết quả đó trước hết phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của bản thân các nhà khoa học, đội ngũ nghiên cứu, đóng góp vào uy tín của các viện nghiên cứu, các trường đại học.

Trả lời đại biểu về khung số lượng nhiệm vụ khoa học công nghệ và trần ngân sách, Bộ đã đề ra giải pháp để thời gian tới để số nhiệm vụ và số tiền chi cho nhiệm vụ khoa học công nghệ bảo đảm hiệu quả, bố trí phù hợp. Theo đó tái cơ cấu nhiệm vụ cấp quốc gia, phê duyệt 19 chương trình với mục tiêu, dự kiến nội dung, yêu cầu… làm cơ sở để hình thành khung và trần ngân sách bố trí.

Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Trả lời câu hỏi về ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nêu rõ đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nên thời gian qua Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh triển khai để có giải pháp ứng dụng và có hiệu quả cho phát triển nông nghiệp. Bộ trưởng chỉ rõ một số kết quả ban đầu và số liệu thống kê về kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản có phần đóng góp của khoa học công nghệ cao. 

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng chia sẻ ứng dụng công nghệ cao còn nhiều rào cản do cần nhiều nguồn vốn, cần được quan tâm hơn. Bởi đây là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng nay còn thiếu công cụ phòng ngừa như bảo hiểm nông nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm.

Do đo, thời gian tới, Bộ đề nghị tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, các địa phương cần có trách nhiệm bảo đảm phát triển đúng mục tiêu hỗ trợ khoa học công nghệ; đồng thời Bộ sẵn sàng triển khai nhiệm vụ chương trình cấp quốc gia phát triển công nghệ cao. 

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng cho hay, lĩnh vực khoa học công nghệ có tính đặc thù, có rủi ro và độ trễ, việc thống kê số liệu bao nhiêu đề tài ứng dụng vào thực tiễn là điều rất khó. Có những đề tài phải nhiều năm sau này mới phát huy giá trị, có những đề tài nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu định hướng ứng dụng, có đề tài nghiên cứu lĩnh vực khoa học xã hội, nghiên cứu phát triển. Việc thống kê số liệu cũng tương đối khó khăn, Bộ sẽ có thống kê chính xác hơn để phục vụ cho các đại biểu Quốc hội một các thỏa đáng.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực khoa học, công nghệ. Ảnh: quochoi.vn
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực KH&CN. Ảnh: quochoi.vn

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện nay, Bộ đang tiến hành sửa các thông tư quy định về quản lý các chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ một cách đồng loạt để đảm bảo các thông tư có tính liên thông, đồng bộ với nhau. Hiện nay, các thông tư cơ bản đã được hoàn thành. Vừa qua, Bộ đã ban hành 5 thông tư mới, đồng bộ với việc tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia.

Bộ trưởng cho biết, Bộ cũng đã bãi bỏ quy định các nhà khoa học là chủ nhiệm có nghiệm thu không đạt thì không được tiếp tục tham gia nhiệm vụ khoa học công nghệ trong 2 năm tiếp theo. Điều này thể hiện Bộ rất quan tâm đến tính đặc thù, tính rủi ro, độ trễ của ngành khoa học công nghệ để có những quy định tiến bộ, phù hợp. 

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến tính đặc thù về kinh tế, tài chính của lĩnh vực KH-CN, bởi nghiên cứu khoa học không thể tính toán định lượng chính xác như các hoạt động lao động sản xuất khác. Vì vậy, rất khó để xây dựng định mức, tính toán hiệu quả, lợi nhuận. 

Về việc đầu tư kinh phí cho sự nghiệp khoa học ở các vùng khó khăn, Bộ trưởng cho biết, hàng năm, trên cơ sở tổng hợp, rà soát, đề xuất nhu cầu, kinh phí năm kế hoạch của các địa phương, Bộ KH&CN làm việc với Bộ Tài chính về nguyên tắc, phương án phân bổ kinh phí cho các địa phương theo các tiêu chí. Bộ KH&CN đề xuất mức tăng kinh phí hàng năm từ 5-10% tùy theo tình hình cụ thể của mỗi địa phương để gửi Bộ Tài chính xem xét, bố trí thích hợp, quan tâm đến những vùng khó khăn. Với các tỉnh miền núi khó khăn, Bộ có sự ưu tiên trong phân bổ, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo nguyên tắc theo quy định về ngân sách và chu kỳ ổn định phân bố ngân sách…

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.