Ứng dụng công nghệ sinh học: Từ giảng đường tới thực tế
Lý thuyết gắn liền với thực tiễn, ngành học gắn liền với thực tế và đưa sản phẩm nghiên cứu đi vào cuộc sống là điểm mấu chốt đang được Trường Đại học Tây Nguyên triển khai mạnh mẽ nhằm đào tạo nguồn nhân lực, góp phần phát triển ngành công nghệ sinh học (CNSH) phục vụ hiệu quả cho cuộc sống con người.
Gắn kết đào tạo và nghiên cứu
CNSH là ngành chiến lược với nhiều triển vọng phát triển nhằm ứng dụng vào các lĩnh vực như: y dược, nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường.
Theo Giáo sư Nguyễn Anh Dũng, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và Môi trường (Trường Đại học Tây Nguyên) thì CNSH là ứng dụng các quá trình sinh học trong cơ thể sinh vật ở các cấp độ khác nhau như cơ thể (thực vật, động vật, vi sinh vật), tế bào, dưới tế bào (enzym, protein) để sản xuất ra các sản phẩm phục vụ lợi ích cho con người.
Giáo sư Nguyễn Anh Dũng (bên trái), Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và Môi trường kiểm tra sản phẩm nuôi cấy mô tại Viện. |
Trường Đại học Tây Nguyên hiện đang đào tạo ngành CNSH ở ba cấp độ: cử nhân, thạc sĩ (Sinh học thực nghiệm), tiến sĩ (Công nghệ sinh học); Khoa Nông lâm và Y dược cũng có sự kết nối với ngành CNSH nhằm đào tạo nguồn nhân lực chuyên biệt phục vụ việc phát triển CNSH trong ngành nông nghiệp, y dược… Toàn bộ quá trình đào tạo đều được kết nối giữa lý thuyết và thực hành nghiên cứu; đào tạo nhân lực và sản phẩm CNSH cụ thể.
Theo đó, ở giảng đường, sinh viên sẽ được đào tạo theo chương trình học của trường; một số nhóm sinh viên sẽ được đăng ký tham gia đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên. Hệ thạc sĩ và tiến sĩ thì ngoài kiến thức lý thuyết, các học viên, nghiên cứu sinh tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu cụ thể, sát nhu cầu thực tiễn và có sản phẩm ứng dụng cụ thể phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
“Ở giảng đường, điều quan trọng nhất là sinh viên phải làm tròn bổn phận của mình: nắm chắc kiến thức, tự học (tự tìm hiểu, tự học trên không gian mạng, trang web chính thức để tích lũy kiến thức) và trao đổi với giảng viên về vấn đề chưa hiểu. Giảng viên không còn là người đọc để chép như cách học truyền thống mà chỉ là người hướng dẫn, giải thích. Với ngành CNSH thì sinh viên phải thực hành nhiều hơn và nghiên cứu nhiều hơn, tham gia tích cực vào nhóm nghiên cứu khoa học của sinh viên…”, Giáo sư Dũng chia sẻ.
Rút ngắn khoảng cách lý thuyết và thực tế
Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, các thông tin, dữ kiện của ngành CNSH phát triển mạnh mẽ ở mọi khía cạnh. Trong khi đó, việc đào tạo và nghiên cứu các sản phẩm liên quan đến CNSH đòi hỏi thời gian khá dài nhưng bù lại nó lại đem đến tính ứng dụng cao và nhu cầu sử dụng rất lớn. Do đó, việc rút ngắn khoảng cách đào tạo đến việc làm hay ứng dụng sản phẩm nghiên cứu vào thực tiễn được thực hiện song song nhằm rút ngắn khoảng cách giữa khoa học và thực tế cuộc sống.
Các nhà khoa học kiểm tra thực tế vườn hồ tiêu áp dụng thành quả của Chương trình khoa học công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển bền vững cây hồ tiêu (piper nigrum L.) ở Tây Nguyên". Ảnh: Trọng Dũng |
Đơn cử, giai đoạn 2017 – 2020, các loại dịch bệnh hoành hành trên cây hồ tiêu khiến hàng nghìn héc ta hồ tiêu của nông dân bị chết; nhiều nông dân rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất; đất sản xuất bị hoang hóa do nông dân không có vốn để tái sản xuất… Trước thực tế đó, Trường Đại học Tây Nguyên đã thực hiện Chương trình khoa học công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển bền vững cây hồ tiêu (piper nigrum L.) ở Tây Nguyên”; qua đó đã giải quyết được một số vấn bề về bệnh dịch, nấm gây bệnh với các giải pháp CNSH tổng hợp từ khâu giống đến khâu sử dụng những chủng vi sinh vật bản địa cộng sinh cùng rễ để kháng bệnh cho cây hồ tiêu. Chương trình nghiên cứu đã tuyển chọn được 4 chủng kháng nấm, 4 chủng kháng tuyến trùng, 3 chủng hỗ trợ tăng trưởng trên cây hồ tiêu. Các chủng này đã được định danh sinh học phân tử và đăng ký mã code trên Ngân hàng Gen (Gene Bank). Từ các chủng tuyển chọn trên, chương trình đã phát triển thành sản phẩm men vi sinh vật phục vụ phát triển bền vững hồ tiêu.
Hiện nay, trường đang định hướng CNSH các hợp chất tự nhiên để bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu của địa phương, tập trung chủ yếu vào các nghiên cứu liên quan đến bệnh đái tháo đường, Alzheimer, ung thư… Trường đã thực hiện các đề tài nghiên cứu cụ thể như: Nghiên cứu sàng lọc các hợp chất tự nhiên kháng bệnh đái tháo đường từ các cây thuốc bản địa ở Đắk Lắk; Quỹ gen cấp quốc gia về bảo tồn và phát triển cây thuốc kháng đái tháo đường ở Tây Nguyên; Nghiên cứu sàng lọc các hợp chất tự nhiên ức chế enzyme hướng kháng bệnh Alzheimer từ các cây thuốc bản địa ở Tây Nguyên (Đề tài Nghị định thư Việt Nam - Đài Loan 2022 - 2025); Nghiên cứu phát triển sản phẩm trà kháng bệnh đái tháo đường từ lá cây ổi rừng (Đề tài cấp Bộ 2020 - 2022). Từ đó đã đào tạo được hơn 10 thạc sĩ, 3 nghiên cứu sinh đang thực hiện luận án tiến sĩ…
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc