Giả lập chính mình, nên hay không?
Cộng đồng mạng những ngày qua rất sôi nổi với hai chiều ứng xử khác nhau, một bên phản đối lo lắng, một bên ủng hộ vui thích với việc dùng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) sửa đổi hình ảnh của chính mình qua dáng dấp diễn viên điện ảnh hay người thành đạt…
Trào lưu cảm hứng này rất khó giải thích và ngã ngũ, chỉ có thể nhận xét, mỗi người hãy tự biết cân nhắc để chọn cách hợp lý.
Trí tuệ nhân tạo ngày càng xâm nhập cuộc sống, đã trở thành hướng lựa chọn cho các hoạt động đầu tư, nghiên cứu phát triển dịch vụ, sản phẩm. Khi những sản phẩm này muốn lan tỏa ra xã hội tiêu dùng, tất yếu cần môi trường thử nghiệm trước, và đây chính là lý do để những phần mềm công cụ “làm đẹp từ ảnh AI” nở rộ.
Cơ hội hoàn thiện sản phẩm dịch vụ
Một chuyên gia công nghệ chia sẻ, cách đây khá lâu, khi dự hội nghị giới thiệu sản phẩm màn hình chất lượng cao của một hãng sản xuất toàn cầu, quan khách đều ngạc nhiên khi nghe giới thiệu hãng là nhà tài trợ chính cho một số tựa game bắn súng đình đám. Thắc mắc đặt ra, là tại sao một hãng sản xuất lớn lại đi cổ súy cho “vấn nạn game”? Vị đại diện hãng lập tức hỏi lại: “Quý vị sẽ làm sao để tiết kiệm được chi phí thử nghiệm chất lượng màn hình mà chúng tôi giới thiệu hôm nay?” Câu hỏi lập tức đả thông suy nghĩ nhiều người. Bởi thực tế, để kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, nhà sản xuất thường phải thuê rất nhiều người trải nghiệm với chi phí không hề nhỏ. Song từ khi có game, họ chỉ cần tài trợ một trò chơi, là có ngay cả triệu game thủ ngày ngày dán mắt vào màn hình, mang lại những kết quả hết sức cụ thể và chính xác.
Sửađổi hình ảnh của chính mình qua dáng dấp diễn viên điện ảnh hay người thành đạt đang là trào lưu thu hút nhiều người tham gia. Ảnh: Bùi Tiến |
Bài học mượn người chơi game để kiểm tra sản phẩm công nghệ đó, giờ đây lại được tái diễn với những công cụ AI cần được rèn luyện, đào tạo, đáp ứng nhu cầu người sử dụng. Một chuyên gia tư vấn chỉ ra, những phần mềm tiện ích như thiết kế mỹ thuật, thời trang, làm đẹp… rất cần được hoàn thiện để phục vụ tốt cho người dùng, và các ứng dụng AI là lựa chọn tối ưu. Để “dạy” cho AI biết xử lý các tình huống, đơn vị công nghệ cần thật nhiều người dùng trải nghiệm sản phẩm của họ, thu lại càng nhiều dữ liệu càng tốt. Một cuộc “vận động ngầm” để có hàng triệu người sử dụng công cụ AI chế ảnh chân dung, giả lập lại chính mình sẽ giúp phần mềm hoàn thiện, sau này có thể trong vài giây cho phép tạo ra hàng chục mẫu tóc, quần áo, màu son môi… cho người dùng lựa chọn thông qua chính hình ảnh của mình.
Bởi thế, những sự kiện sôi nổi khoe ảnh AI trên mạng, thực sự là những đợt tập huấn để các công cụ AI thông minh hơn, giúp hoàn thiện các sản phẩm dịch vụ phục vụ đời sống hơn. Những người muốn tiêu khiển nhẹ nhàng, có thể tham gia những cuộc chơi nhẹ nhàng này, làm lợi cho sản phẩm công nghệ.
Ẩn chứa những nguy cơ
Điều đáng lo là “không có miếng bánh mì nào miễn phí cả”, phía sau những lợi ích tốt đẹp của công cụ AI được phát triển, luôn tồn tại những góc cạnh nguy hiểm. Những người chia sẻ hình ảnh của mình, giúp đào tạo công cụ AI sẽ rất có nguy cơ bị rò rỉ dữ liệu bản thân, bị những kẻ xấu lợi dụng thực hiện những hành vi phi pháp. Có thể đó là những hình ảnh, đoạn phim được cắt xén, ghép mặt người dùng vào, nhất là những người nổi tiếng, để thỏa mãn thú vui nào đó. Có thể đó cũng là hành động tội phạm, khi những kẻ xấu sử dụng hình ảnh tạo nên từ AI để đánh lừa người khác, giả danh, trục lợi, thậm chí hăm dọa… Thực tế đã chứng minh có những vụ lừa đảo tiền bạc, tình dục xảy ra, khi kẻ xấu dùng sản phẩm công nghệ AI đóng vai người thân, bạn bè và lừa những người cả tin.
Do đó, việc đơn giản bấm chuột vào một phần mềm công cụ nào đó, cho phép tạo ra những bức ảnh diễn viên, tài tử lộng lẫy với gương mặt của chính bạn, sẽ đồng nghĩa với việc bạn đã ký “một hợp đồng” rủi ro. Những người cần bảo vệ sự an toàn riêng tư, phụ nữ, trẻ em… là những đối tượng nên lưu ý vấn đề này, trước khi xảy ra những sự vụ đáng tiếc.
Anh Nguyễn Văn Thiên, một tư vấn viên công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, sẽ không có một cuộc tấn công mạng nào xảy ra, nếu không có sự tò mò của ai đó nhấn chuột vào những đường dẫn nguy hiểm, tạo điều kiện cho tin tặc bắt đầu. Giờ đây, những hành động khơi mào tấn công nguy hiểm ấy, sẽ trá hình ở phía sau những phần mềm “đẹp lung linh”, những câu chuyện hình ảnh hài hước… Một chút bất cẩn, ham vui, ngẫu nhiên lướt qua của người dùng, sẽ có thể phải trả giá rất đắt nếu có chuyện bất thường xảy đến.
Do đó, giới công nghệ hết sức lưu ý người dùng mạng xã hội, những người có mặt trên môi trường Internet, hãy hết sức lưu tâm và thận trọng, phải biết nói “không” với những lời mời chào hấp dẫn, hứng thú mà không biết chắc chắn do ai đưa ra. Giả lập chính mình là một ý tưởng hay, một sự hấp dẫn nhất định với tất cả mọi người, nhưng có chấp nhận sự giả lập ấy hay không lại là lựa chọn của mỗi người.
Vấn đề luôn có hai mặt, nếu ai cũng từ chối tham gia trải nghiệm đào tạo công cụ AI, sẽ không thể có những sản phẩm dịch vụ ngày càng tốt hơn. Nhưng nếu tham gia cẩu thả, không suy xét, thiếu thận trọng, người dùng sẽ rất dễ phải trả giá đắt. Dòng chảy công nghệ số, vì vậy luôn ẩn chứa những cọc nhọn, gai sắc hung hiểm, rất cần người dùng tỉnh táo và thận trọng hơn!
Thụy Bất Nhi
Ý kiến bạn đọc