Multimedia Đọc Báo in

Thiết bị hỗ trợ thụ phấn hoa sầu riêng của học sinh lớp 8

07:17, 04/12/2023

Lâu nay nông dân trồng sầu riêng thường sử dụng phương pháp quét hoa thủ công để tăng cường quá trình thụ phấn, cải thiện chất lượng hoa trái sầu riêng. Dụng cụ để quét là chổi lông gà, chổi mềm hoặc cọ lông chồn.

Việc quét hoa sầu riêng đòi hỏi sự cẩn trọng, nhẹ nhàng, khéo léo để tránh làm hại hoa, gây tổn thương cho cây và cần có sự kiên nhẫn để đạt được hiệu suất tốt nhất trong việc chuyển phấn hoa.

Từ thực tế trên, hai học sinh lớp 8A, Trường THCS Hoàng Hoa Thám ở xã Cư Yang (huyện Ea Kar) là Trương Phạm Linh Đan và Nguyễn Dạ Minh Châu đã nảy ra ý tưởng nghiên cứu sáng tạo một thiết bị hỗ trợ thụ phấn hoa sầu riêng có thể khắc phục nhược điểm của phương pháp quét hoa thủ công.

Sau một thời gian mày mò, các em đã tạo nên thiết bị từ những vật liệu khá đơn giản, có thể thu gom hạt phấn và thổi hạt phấn vào chùm hoa sầu riêng.

Cụ thể, các vật liệu gồm: 1 gậy inox có thể điều chỉnh độ dài kiểu cần ăng-ten tận dụng từ chổi quét mạng nhện cũ; 1 bộ điều khiển từ xa (tận dụng từ xe ô tô đồ chơi trẻ em); 1 đèn pin loại đội đầu; 1 dây đai gắn vào thân gậy inox để đeo vai khi sử dụng; bộ hệ thống kéo rút cáp điều khiển miệng phễu; chóa đèn nhôm của bóng đèn treo dùng làm phễu gắn đầu gậy làm đế gắn động cơ hút – thổi và gắn lồng chụp chùm hoa; bộ khung thép được hàn để làm lồng chụp vào chùm hoa; một miếng vải voan mỏng để bao quanh khung và đáy lồng chụp để thu hạt phấn; khay chứa pin cung cấp nguồn cho động cơ ở hệ thống kéo rút cáp; khay gắn pin cung cấp nguồn cho hai động cơ ở phiễu và lồng chụp.

Trương Phạm Linh Đan và Nguyễn Dạ Minh Châu thử nghiệm sử dụng thiết bị trong vườn sầu riêng.

Bộ thiết bị thụ phấn gồm: Bộ phễu và lồng chụp. Bộ phễu gồm động cơ gắn quạt gió được gắn vào đáy phễu, bên ngoài phễu gắn khay pin cung cấp nguồn cho động cơ; lồng chụp được bao kín mặt bên và đáy dưới được cố định vào miệng phễu, đáy lồng chụp gắn một động cơ quay trục có gắn lông đuôi gà. Trên khung lồng chụp có hệ thống ống dây rút để điều khiển miệng vải lồng chụp mở rộng – co lại.

Thầy Lê Quốc Bảo, giáo viên hướng dẫn của các em cho biết: Thiết bị có lồng chụp được bao kín bằng vải mỏng, miệng lồng chụp dễ dàng điều chỉnh để giúp bao kín chùm hoa khi thực hiện quá trình thu và thổi hạt phấn, hạn chế được tình trạng hạt phấn bị gió thổi bay xa khỏi chùm hoa. Điều khiển từ xa động cơ gắn lông đuôi gà để đánh bung hạt phấn kết hợp quạt quay chiều hút để tập trung hạt phấn ở màng đáy lồng chụp, sau đó dừng động cơ đánh hạt phấn đảo chiều quạt thổi ngược hạt phấn lên chùm hoa trong điều kiện chùm hoa đang được bao kín trong lồng chụp; vì vậy hiệu suất thụ phấn thành công cao hơn cách thông thường rất nhiều.

Theo đánh giá của TS. Vương Hữu Nhi, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh lần thứ 11, thiết bị hỗ trợ thụ phấn hoa sầu riêng rất hữu ích, giúp tăng năng suất cũng như chất lượng quả cho cây sầu riêng. Bộ thiết bị này dễ dàng sử dụng, thiết kế nhỏ gọn, chi phí sản xuất rẻ… Qua thực tế cho thấy, ở các cây sầu riêng sử dụng thiết bị hỗ trợ thụ phấn này, trên mỗi chùm quả tỷ lệ các quả phát triển cân đối, đầy múi hơn các cây không sử dụng thiết bị.

Với tính hữu ích và ứng dụng cao, sản phẩm “Thiết bị hỗ trợ thụ phấn hoa sầu riêng” của hai em Trương Phạm Linh Đan và Nguyễn Dạ Minh Châu đã được Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đắk Lắk lần thứ 11 năm 2023 trao giải Nhất.

Đoàn Văn Thanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.