Multimedia Đọc Báo in

Hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường các-bon và hàm ý chính sách với Việt Nam”

16:32, 23/11/2023

Chiều 23/11, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tổ chức Hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường các-bon và hàm ý chính sách với Việt Nam” theo hình thức trực tuyến. Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ chủ trì hội thảo.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành hữu quan.

Hội thảo gồm 2 phiên thảo luận về 2 nội dung: Xây dựng thị trường các-bon và bảo đảm quá trình chuyển đổi công bằng; Tăng cường hợp tác quốc tế thúc đẩy xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam.

Với nội dung xây dựng thị trường các-bon và bảo đảm quá trình chuyển đổi công bằng, các đại biểu đã trao đổi về những nhân tố tác động đến quá trình hình thành và phát triển thị trường các-bon (kinh tế, xã hội, môi trường, lao động...); kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng thị trường các-bon; giải pháp nhằm đảm bảo tính bao trùm, công bằng trong quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển thị trường các-bon...

a
 Đại biểu tham dự hội thảo tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.

Với nội dung Tăng cường hợp tác quốc tế thúc đẩy xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam, các đại biểu đã thảo luận xoay quanh vấn đề: cách tiếp cận đa chiều trong quá trình xây dựng thị trường các-bon; vai trò của Nhà nước trong thúc đẩy hợp tác công – tư trong quá trình xây dựng và phát triển thị trường các-bon; cơ hội, thách thức và giải pháp thúc đẩy hợp tác quốc tế về thị trường các-bon...

Theo thông tin chia sẻ tại Hội thảo, thị trường mua bán tín chỉ các-bon trên thế giới khá sôi động. Tại Việt Nam, Chính phủ đã đưa ra lộ trình đến năm 2025 Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ các-bon. Để chuẩn bị cho việc vận hành thị trường các-bon, thời gian qua Việt Nam đã triển khai một số dự án hỗ trợ kỹ thuật.

Từ nay đến hết năm 2027, Việt Nam tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường các-bon...

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc