Multimedia Đọc Báo in

Điều chế viên nén bao phim chứa cao chiết toàn cây đinh lăng

08:56, 07/03/2024

Đinh lăng là một dược liệu được sử dụng lâu đời trong y học cổ truyền. Rễ đinh lăng được đánh giá có công dụng tương tự nhân sâm nên được coi là “sâm của người nghèo”.

Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về đinh lăng, cho thấy tiềm năng giá trị rất lớn của loài cây này. Các bằng chứng khoa học đã khẳng định các tác dụng của đinh lăng như: bồi bổ cơ thể, nâng cao sức khỏe, tiêu sưng, lợi tiểu, giảm ho, giảm lipid máu, hạ đường huyết, chống oxy hóa…

Ngày nay, dược liệu ít được sử dụng trực tiếp mà phổ biến dưới dạng các sản phẩm chứa chiết xuất từ dược liệu như: Dung dịch, viên nén, viên nang, cao/kem, miếng dán… Cao chiết dược liệu là sản phẩm trung gian giữa dược liệu và các dạng bào chế này; chất lượng của sản phẩm chịu ảnh hưởng rất lớn bởi chất lượng của cao chiết.

Do đó, quá trình điều chế cao chiết từ dược liệu cần được nghiên cứu, xây dựng để thu được cao chiết đạt chất lượng tốt. Các dạng bào chế từ cao dược liệu dùng theo đường uống thường được bào chế ở dạng dung dịch, bột/cốm và dạng viên.

Với ý tưởng điều chế cao chiết từ cây đinh lăng nhằm tận dụng được hết tác dụng của loại dược liệu quý này, ThS. Lê Trung Khoảng và các cộng sự tại Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột đã nghiên cứu giải pháp: “Điều chế viên nén bao phim chứa cao chiết toàn cây đinh lăng (Polyscias fruticosa (L.) Harms) trồng tại Đắk Lắk”, với mục đích: tận dụng toàn bộ cây đinh lăng (rễ, thân, lá) để làm nguyên liệu sản xuất, tránh lãng phí dược liệu và tăng thu nhập cho người nông dân; tối ưu hóa quy trình chiết xuất với mục tiêu đạt được hiệu quả cao và tiết kiệm chi phí, gia tăng tính khả thi khi áp dụng vào thực tế; xây dựng công thức và quy trình sản xuất viên nén bao phim chứa cao chiết toàn cây đinh lăng.

Cây đinh lăng. Ảnh minh họa: Internet
Cây đinh lăng. Ảnh minh họa: Internet

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng được quy trình tạo sản phẩm như sau: Lựa chọn các cây đinh lăng từ 5 năm tuổi trở lên, thu hái vào khoảng tháng 11; thu toàn bộ rễ, thân và lá đinh lăng. Sau khi thu hái, rửa sạch rễ, thân và lá, loại bỏ các bộ phận của cây bị hỏng, để ráo nước. Tách lá đinh lăng ra khỏi thân, cành; dùng dao/cưa tách rễ và thân.

Thái các bộ phận này thành miếng mỏng/khúc ngắn để dễ phơi khô và nghiền nhỏ. Phơi riêng rễ, thân, lá đạt độ ẩm ≤ 10%; nghiền thành dạng bột có kích thước dưới 1 mm, sau đó tiến hành rây bột qua rây 1 mm để đảm bảo đồng đều về kích thước dược liệu.

Bột dược liệu được chiết xuất, phối trộn với tá dược, làm khô tới khi độ ẩm nhỏ hơn 13% thì dập thành viên nén chứa cao đinh lăng. Tiến hành bao phim viên nén chứa cao đinh lăng để có sản phẩm hoàn chỉnh.

Trao đổi về tính mới và tính sáng tạo của giải pháp, TS. Vương Hữu Nhi, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh cho biết: Hiện tại thị trường trong nước chưa có dạng bào chế viên nén bao phim chứa cao đinh lăng. Cũng chưa có nghiên cứu nào tận dụng cả rễ, thân và lá đinh lăng để làm nguyên liệu sản xuất cho tới thành phẩm cuối cùng.

Giải pháp ứng dụng của nhóm nghiên cứu theo xu hướng nghiên cứu và sản xuất các chế phẩm hỗ trợ sức khỏe từ dược liệu, đặc biệt là các dược liệu ở vùng Tây Nguyên, mang tính kết hợp kỹ thuật của các ngành: Sản phẩm đi từ nguồn nguyên liệu cây đinh lăng, sử dụng phần mềm trí thông minh nhân tạo để tối ưu hóa điều kiện chiết xuất, và áp dụng các thiết bị máy móc công nghiệp để bào chế ra thành phẩm là viên nén bao phim chứa cao chiết toàn cây đinh lăng.

Giải pháp “Điều chế viên nén bao phim chứa cao chiết toàn cây Đinh lăng (Polyscias fruticosa (L.) Harms) trồng tại Đắk Lắk” của ThS. Lê Trung Khoảng và cộng sự đã được Hội đồng khoa học Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) đánh giá cao và trao giải Khuyến khích Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2023.

Đoàn Văn Thanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.