Đắk Lắk ưu tiên thực hiện 22 nhiệm vụ, dự án nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
UBND tỉnh đã đề ra 22 nhiệm vụ, dự án ưu tiên thực hiện Kế hoạch hành động thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện kế hoạch thích ứng biến đổi khí hậu theo từng ngành, lĩnh vực, địa phương.
Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Bộ tiêu chí chung, sẽ thực hiện hai nhiệm vụ: xây dựng bộ tiêu chí đánh giá rủi ro khí hậu và xác định các dự án, nhiệm vụ và đánh giá hiệu quả các hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu.
Giai đoạn 2020 – 2030, thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn 2024 – 2025, thực hiện hai nhiệm vụ: xây dựng, thực hiện Kế hoạch hỗ trợ giống lâm nghiệp để trồng làm giàu rừng tự nhiên sản xuất, trang trại canh tác cảnh quan nông lâm nghiệp và điều tra, bảo tồn một số loại động, thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm, loài được ưu tiên bảo vệ trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của tỉnh nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. (Trong ảnh: Cán bộ kiểm lâm tuần tra, bảo vệ rừng tại huyện M'Drắk ). |
Năm 2025, thực hiện Dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Krông Bông thuộc địa phận thôn 1 và thôn 4 (xã Hoà Phong).
Giai đoạn 2024 – 2026, thực hiện 7 nhiệm vụ điều tra, đánh giá: khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất; hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước; hiện trạng xả nước thải vào nguồn trên địa bàn tỉnh; chất lượng đất, tiềm năng đất đai lần đầu; ô nhiễm đất lần đầu, phân hạng đất nông nghiệp; tiềm năng khoáng sản các khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản và rà soát, điều chỉnh, bổ sung các khu vực cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn 2024 – 2030, thực hiện 8 nhiệm vụ: tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực thích ứng biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai; nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về lĩnh vực khí tượng thủy văn; tổ chức thực hiện nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới trong thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, biên tập bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 của tỉnh; xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường; xây dựng, triển khai và nhân rộng các mô hình sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế về thích ứng với biến đổi khí hậu.
Được biết, nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, dự án từ ngân sách nhà nước (chi thường xuyên, chi cho đầu tư phát triển, sự nghiệp khoa học, sự nghiệp bảo vệ môi trường…) theo quy định; nguồn ngoài ngân sách nhà nước (vốn hỗ trợ, viện trợ không hoàn lại, đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp khối tư nhân; vay ưu đãi để thực hiện các công trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu có đồng lợi ích phát triển kinh tế - xã hội, giảm phát thải khí nhà kính… và nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác.
Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc