Triển vọng ngành chip bán dẫn Việt Nam
Chip bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp quan trọng, đóng vai trò trung tâm trong cuộc cách mạng công nghệ hiện đại.
Và với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, rất nhiều tiềm năng có thể được khai thác, từ đó tạo lợi thế phát triển và vươn lên trở thành “tâm điểm” trong hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn cầu.
Sự phát triển nhanh chóng
Theo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), tổng doanh thu từ ngành chip bán dẫn trên toàn thế giới trong năm 2024 đã đạt mức 627,6 tỷ USD, tăng đến 19,1% so với năm 2023. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên ngành chip bán dẫn toàn cầu vượt mốc 600 tỷ USD doanh thu. Với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây, năm 2025 tiếp tục sẽ là một năm đầy tiềm năng phát triển cho ngành công nghiệp tỷ đô này khi doanh thu toàn cầu được kỳ vọng sẽ đạt 705 tỷ USD.
Những con số trên cho thấy sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện của thị trường ngành chip bán dẫn toàn cầu, tạo một sức hút đầu tư lớn với các nhà đầu tư cũng như chính phủ các quốc gia. Đồng thời, trước sức ép của cuộc đua công nghệ số, lĩnh vực bán dẫn toàn thế giới còn hứa hẹn một cuộc cạnh tranh gay gắt không chỉ về năng lực sản xuất mà còn về đổi mới công nghệ và khả năng tạo ra các sản phẩm bán dẫn tiên tiến nhất.
![]() |
Lễ ký kết biên bản hợp tác liên minh đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp bán dẫn. Ảnh: VGP |
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển của công nghệ số toàn cầu khi những năm gần đây đã chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ và sâu rộng trong ngành chip bán dẫn. Theo báo cáo của TechSci Research (công ty chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn và nghiên cứu thị trường toàn cầu), tổng doanh thu từ ngành chip bán dẫn Việt Nam trong năm 2024 đã đạt mức 18,6 tỷ USD. Cùng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) được dự đoán ở mức 7,4% trong giai đoạn 2025 - 2030, tổng doanh thu ngành chip bán dẫn Việt Nam sẽ cán mốc 28,8 tỷ USD vào cuối năm 2030.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn đạt được những cột mốc đáng chú ý cũng như nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến đầu tháng 12/2024, đã có 174 dự án FDI trong lĩnh vực chip bán dẫn từ các quốc gia như Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đài Loan... với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư. Những tập đoàn có tên tuổi như Intel, Qualcomm, Samsung... đã đầu tư hoặc cam kết rót vốn hàng tỷ USD cho các dự án lắp ráp, xây dựng nhà máy và mở rộng hoạt động sản xuất chip bán dẫn. Đặc biệt, vào cuối năm 2024, Chính phủ Việt Nam đã đạt được Thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn NVIDIA nhằm hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.
Thỏa thuận hợp tác với nhà thiết kế chip hàng đầu thế giới NVIDIA cùng những động thái tích cực trong ngành chip bán dẫn những năm vừa qua đã đem lại tiếng vang lớn và hứa hẹn sẽ định hình hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam trong thời gian tới, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất chip bán dẫn của thế giới vào năm 2030.
Còn nhiều tiềm năng dư địa
Việc bắt kịp xu thế phát triển của công nghệ số toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực chip bán dẫn đã giúp Việt Nam đạt được một số thành tựu nhất định. Không chỉ dừng lại ở đó, bằng cách tận dụng triệt để điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển ngành chip bán dẫn, Việt Nam có thể khai thác được những lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ vốn có.
Những năm gần đây, nền giáo dục Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành chip bán dẫn. Cụ thể, một số cơ sở nghiên cứu, đào tạo hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội đã và đang hợp tác, liên kết với các tập đoàn lớn như Viettel, FPT, CMC nhằm phát triển các trung tâm cũng như các chương trình giảng dạy chuyên sâu về thiết kế chip, vi mạch, sản xuất bán dẫn… Cùng với đó là khoảng 134.000 sinh viên đầu vào ngành kỹ thuật mỗi năm, tạo cơ sở vững chắc giúp Việt Nam đạt mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư, nhân sự bán dẫn vào năm 2030.
Ngoài ra, trong bối cảnh mạng lưới ngành chip bán dẫn đang dần chuyển hướng sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam với vị trí địa lý trung tâm có lợi thế rất lớn trong việc kết nối, xây dựng cơ sở sản xuất và phân phối đến các thị trường lớn trong khu vực. Đồng thời, việc tiếp giáp với Trung Quốc và gần Ấn Độ - hai thị trường công nghệ khổng lồ - cũng mang lại cho Việt Nam cơ hội mở rộng xuất khẩu và thu hút đầu tư từ các công ty muốn tiếp cận những thị trường này.
Việt Nam còn có tiềm năng rất lớn trong ngành chip bán dẫn khi sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm dồi dào, đóng vai trò thiết yếu trong sản xuất chất bán dẫn. Theo số liệu thống kê từ Statista, tính đến năm 2023, trữ lượng đất hiếm của Việt Nam đạt khoảng 22 triệu tấn, tương đương 20% trữ lượng thế giới, chỉ sau Trung Quốc với trữ lượng 44 triệu tấn. Cũng nhờ lượng tài nguyên dồi dào này mà một bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã được ký kết nhằm thiết lập một nguồn cung ổn định đất hiếm và các khoáng sản quan trọng khác cho các công ty Hàn Quốc. Từ đó đi đến thỏa thuận hợp tác về nguồn vốn xúc tiến cũng như thỏa thuận hợp tác kinh tế với quy mô lên đến hàng tỷ USD.
Nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư nước ngoài, cùng những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, ngành chip bán dẫn Việt Nam đang đứng trước cơ hội bứt phá để trở thành một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn cầu. Tuy vẫn còn nhiều thách thức song với những thuận lợi và tiềm năng phát triển sẵn có, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên và khẳng định vị thế trong ngành công nghiệp tỷ đô này.
Thỏa thuận hợp tác với nhà thiết kế chip hàng đầu thế giới NVIDIA cùng những động thái tích cực trong ngành chip bán dẫn những năm vừa qua đã đem lại tiếng vang lớn và hứa hẹn sẽ định hình hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam trong thời gian tới, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất chip bán dẫn của thế giới vào năm 2030. |
Đặng Thắng
Ý kiến bạn đọc