Multimedia Đọc Báo in

Bơ Booth không còn “sức hút”?

08:58, 21/08/2021

Sau nhiều năm “gây sốt”, 3 - 4 năm trở lại đây, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh không còn mặn mà với bơ Booth. Dường như loại cây này đã không còn “sức hút” đối với nông dân.

Cách đây hơn 10 năm, người dân đổ xô trồng bơ Booth vì có giá bán ra thị trường rất cao, thậm chí có thời điểm lên đến 100 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, những năm gần đây bơ Booth rớt giá liên tục, nông dân trồng bơ rơi vào cảnh thất thu.

Mất mùa, rớt giá liên tục

Gia đình ông Dương Xuân Tình (thôn Bình An, xã Dliê Ya, huyện Krông Năng) có hơn 8 sào đất trồng cây ăn quả. Với diện tích này, ông trồng xen canh bơ Booth cùng với tiêu, sầu riêng... Trước đây, khi bơ có giá 30.000 - 40.000 đồng/kg, mỗi mùa gia đình ông hái được 3 - 4 tấn bơ, thu về gần 100 triệu đồng. Năm 2020, vườn bơ của gia đình ông giảm còn 2 tấn, giá lại rớt thê thảm, giữa mùa bán với giá 5.000 đồng/kg, cao nhất vào cuối mùa cũng chỉ từ 8.000 - 9.000 đồng/kg.

Năm ngoái dù giá rẻ, nhưng vẫn có thương lái thu mua nên ít nhiều gia đình ông cũng có nguồn thu đủ chi phí phân bón, công chăm sóc. Còn vụ bơ năm nay, vào thời điểm đầu tháng 4, khi bơ nở rộ, bông dày đặc thì trời mưa liên tục khiến bông rụng hàng loạt, không đậu quả, năng suất giảm hơn một nửa. Ước tính vườn bơ của ông nhiều nhất cũng chỉ thu được khoảng 1 tấn. Đã vậy, chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là bơ cho thu hoạch, nhưng chưa có thương lái nào ghé hỏi thăm hay đặt trước báo giá. Những hộ trong vùng bán bơ Booth lứa sớm cũng chỉ được giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg. Mức giá này cao hơn năm ngoái, nhưng tính ra thu về chẳng đáng là bao vì năng suất giảm mạnh.

Vườn bơ Booth của gia đình ông Dương Xuân Tình (thôn Bình An, xã Dliê Ya, huyện Krông Năng) chỉ lưa thưa vài quả.

Tương tự, năm nay vườn cây khoảng 150 gốc bơ của gia đình anh Nguyễn Hữu Chương (thôn Tân An, xã Ea Toh, huyện Krông Năng) chỉ lác đác vài quả trên cây. 5 năm trước thấy giá bơ Booth cao, bán tại vườn 60.000 - 70.000 đồng/kg nên anh Chương quyết định phá cà phê để trồng bơ. Thời điểm đó, cây bơ giống giá bình quân 35.000 đồng/cây, gia đình anh đã bỏ ra hơn 5 triệu đồng mua cây giống. Vậy mà, sau ba năm bỏ ra không biết bao nhiêu công sức, đến lúc có bơ thu hoạch thì rớt giá thê thảm. Anh buồn rầu kể, vụ thu hoạch đầu tiên bán được 1 triệu đồng, vụ thứ hai số lượng nhiều hơn, nhưng giá rẻ nên chỉ bán được 2 triệu đồng. Đến vụ thứ ba vào năm nay thì đúng dịp bơ trổ bông lại gặp mưa nên chỉ đậu lưa thưa vài quả, có cây không đậu quả nào. Sau 5 năm chăm sóc, mất rất nhiều công sức, chi phí, nhưng số tiền thu về từ bơ Booth chưa đủ tiền mua cây giống ban đầu.

Đã qua thời “hoàng kim”?

Toàn tỉnh hiện có trên 9.000 ha bơ các loại, trong đó, tổng sản lượng dự kiến 82.000 tấn. Tính đến giữa tháng 8-2021, số lượng bơ đã thu hoạch được khoảng 50%. Từ nay đến hết tháng 8, sản lượng bơ còn lại khoảng 40.000 tấn, trong đó chủ yếu là bơ Booth và bơ Hass.

 

Bơ Booth là loại cây trồng mới, “khó tính” nhất trong các giống bơ trồng tại địa phương. Nếu không chăm sóc đúng quy trình và theo dõi sâu bệnh thì rất khó cho năng suất, sản lượng cao. Bên cạnh đó, giá bán không ổn định, có chiều hướng giảm dần theo từng năm nên quả bơ Booth hiện nay không được kỳ vọng như thời “hoàng kim” trước đây.

Theo tìm hiểu tại các địa phương, hiện nay nhiều hộ dân không còn mặn mà với loại cây ăn trái này. Một số người đã quyết định chặt toàn bộ vườn cây bơ Booth để thay thế bằng cây trồng khác, hy vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Điệp khúc trồng – chặt lại diễn ra với cây bơ Booth như đã từng xảy ra với một số loại cây trồng trên địa bàn tỉnh như hồ tiêu, điều, ca cao…

Chẳng hạn như, với diện tích trồng 4 sào bơ Booth xen canh trong vườn cà phê, sầu riêng hơn 7 năm nay, anh Nguyễn Minh Tuân (thôn 4, xã Cư Suê, huyện Cư M'gar) đã quyết định chặt bỏ cả 2 sào bơ đang trong thời kỳ kinh doanh vì hai năm gần đây bơ cho năng suất kém, khó tiêu thụ. Anh quyết định chặt bỏ một nửa cây bơ trong vườn, nửa còn lại anh để ghép giống bơ khác hy vọng giá bơ sẽ tăng lên trong những năm tới.

Tương tự, cách đây 10 năm trên diện tích đất rẫy 1,2 ha, gia đình ông P.H.Đ. (thôn 6, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) trồng xen canh khoảng 80 cây bơ Booth. Ba năm trở lại đây, giá trị kinh tế từ cây bơ rất thấp nên vừa rồi ông đành ngậm ngùi thuê người đốn toàn bộ cây bơ.

Theo ông Đ., bơ Booth là giống cây khó chăm, khó trồng, thường xuyên bị bọ xít muỗi, ong ruồi vàng chích. Đối với những trái bơ chỉ cần 1 - 2 dấu bọ xít chích thì lúc bán, thương lái thường loại ra hoặc mua với giá rẻ. Do đó, để có một trái bơ Booth da xanh, bóng đòi hỏi quá trình chăm sóc kỹ lưỡng, nếu gặp giá cao thì nông dân có lãi, ngược lại, tiền bán bơ không bõ công chăm sóc, phân bón.

Chưa kể, một gốc bơ nhiều năm tuổi sẽ chiếm diện tích đất bằng 6 gốc cà phê hoặc 6 gốc sầu riêng, do đó nếu giá thấp, năng suất kém thì thu hoạch từ bơ không đáng là bao so với các loại cây trồng khác như cau, sầu riêng Dona...

Anh Nguyễn Hữu Chương (thôn Tân An, xã Ea Toh, huyện Krông Năng) chặt bỏ bơ Booth.

Tiến sĩ Đặng Bá Đàn, Trưởng Văn phòng đại diện Trung tâm Khuyến nông quốc gia tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cho biết, bơ là loại trái cây ăn tươi, công nghệ chế biến, bảo quản hiện nay hạn chế. Đặc điểm của bơ là thường chín tập trung vào mùa mưa nên nếu ách tắc trong khâu vận chuyển, tiêu thụ thì sẽ rất khó khăn do không bảo quản được. Đặc biệt, đối với bơ Booth, việc ra hoa, đậu quả chưa ổn định, kèm theo tình hình sâu bệnh rất phức tạp như bệnh nấm gây thối quả, bọ xít, dẫn đến chất lượng bơ không đạt nên thị trường không chấp nhận.

Tuy nhiên, cây bơ không phải ở vùng đất, khí hậu nào cũng trồng được nên thị trường vẫn rộng mở, nhất là thị trường trong nước như tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... Vì vậy, vào thời điểm hiện tại, bà con không nên chặt bỏ đồng loạt, cần thiết thì chỉ giảm bớt mật độ trồng hoặc cưa ghép với các giống bơ khác để cho năng suất cao, chịu được sâu bệnh...

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu chế biến sâu để đa dạng sản phẩm từ quả bơ, điều khiển thời vụ, bao trái để hạn chế bọ xít, tránh tình trạng bơ chín tập trung dẫn đến khó tiêu thụ tại một thời điểm. Về lâu dài, cần có sự liên kết giữa người sản xuất với các doanh nghiệp, từ đó sẽ chủ động được về diện tích, dự báo năng suất, sản lượng và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cả trong nước và xuất khẩu.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.