Chủ động nguồn nguyên liệu, doanh nghiệp trụ vững trong đại dịch
Đại dịch COVID-19 tác động đến nhiều ngành sản xuất, kinh doanh của tỉnh, nhất là những ngành phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Các doanh nghiệp (DN) của tỉnh vừa chủ động dự phòng, vừa tìm cách thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để duy trì năng suất, sản lượng.
Lường trước những khó khăn trong khâu vận chuyển do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều DN đã chủ động các phương án dự phòng nguyên liệu cho sản xuất.
Lên kế hoạch dự trữ phù hợp
Ông Nguyễn Đăng Phong, Giám đốc Công ty Sản xuất, thương mại, dịch vụ xuất nhập khẩu Đăng Phong (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, hiện nay việc sản xuất tại đơn vị có 90% nguyên vật liệu trong nước, 10% nguyên liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài. Nhận định tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc cung ứng hàng hóa, vận chuyển sẽ bị ảnh hưởng lớn, từ cuối năm 2020, công ty đã chủ động các phương án dự phòng nguyên vật liệu. Cùng với đó, gia tăng tìm kiếm nguồn cung vật tư, nguyên liệu từ các DN trong nước nằm ngoài vùng dịch để duy trì sản xuất, không để xảy thiếu hụt nguyên liệu đầu vào.
Xưởng sản xuất của Công ty Sản xuất, thương mại, dịch vụ xuất nhập khẩu Đăng Phong. |
Mặt khác, đơn vị tiến hành rà soát, sàng lọc lại lượng hàng có sẵn trong kho, từ đó nghiên cứu cải tiến để sử dụng, bảo đảm duy trì sản xuất. Đặc biệt, đầu năm 2021, công ty đã chi hàng tỷ đồng đầu tư dây chuyền thiết bị, tự sản xuất một số vật tư để có thể chủ động cho sản xuất, thay vì nhập khẩu như trước đây. Đây được coi là giải pháp giúp DN giải quyết được khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên vật liệu, bảo đảm duy trì việc làm cho người lao động.
Theo nhiều DN, ngoài sự chủ động và tự nỗ lực thì DN rất cần sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Nhà nước. Trong đó, DN cần được tạo điều kiện trong việc vận chuyển hàng hóa, hỗ trợ đầu ra từ các chương trình xúc tiến thương mại, giao thương trực tuyến, hỗ trợ về tài chính, tín dụng, giãn nộp một số loại thuế, lệ phí...
|
Tương tự, Công ty TNHH G20 Coffee G20 Việt Nam (TP. Buôn Ma Thuột) cũng tự xoay xở, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Phạm Văn Quang, Giám đốc công ty cho hay, từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất khẩu phục hồi khá tốt, nhu cầu tiêu dùng ở thị trường các nước châu Âu và Mỹ có nhiều tín hiệu tích cực, đơn vị cũng có thêm nhiều đơn hàng mới với giá trị tăng cao so với năm trước. Để bảo đảm đơn hàng xuất khẩu được giao đúng hẹn, ngay từ đầu năm, DN đã phân tích tình hình cung ứng, chủ động mua lượng lớn nguyên liệu dự trữ cho sản xuất, giảm rủi ro khi nguồn cung khan hiếm hoặc trục trặc trong vấn đề vận chuyển. Bảo đảm sản xuất trong tình hình hiện tại, đơn vị cũng làm việc với các nhà cung ứng để bàn bạc, xác nhận khả năng giao hàng; thỏa thuận gom hàng có chất lượng từ nhiều nguồn khác nhau trong nước, đẩy nhanh tiến độ giao nguyên liệu. Riêng đối với hoạt động xuất khẩu thì công ty nhận đơn hàng xuất khẩu ngắn hạn, chứ không kéo dài như trước để chủ động nguyên liệu ổn định cho sản xuất.
Linh hoạt các giải pháp ứng phó
Tuy có sự chuẩn bị từ trước, nhưng trong khó khăn chung do tác động của dịch bệnh COVID-19, nhiều DN không khỏi “đau đầu” về vấn đề bảo đảm nguyên vật liệu để duy trì hoạt động trong kỳ sản xuất tiếp theo. Ứng phó với tình huống trên, nhiều DN cho rằng, việc phát huy nội lực trong DN, đầu tư nâng cao chất lượng, chuyển đổi công nghệ sản xuất là rất cần thiết để DN có thể chủ động, giảm bớt sự phụ thuộc nguồn cung nguyên, vật liệu từ thị trường bên ngoài. Ông Nguyễn Đăng Phong chia sẻ, thay vì bị động bởi không nhập khẩu được nguyên, vật liệu, DN hướng đến nâng cao năng lực sản xuất, tay nghề lao động, nghiên cứu tìm kiếm nguồn nguyên, vật liệu khác để thay thế và sử dụng tiết kiệm nguyên liệu. Trong bối cảnh giá đầu vào liên tục tăng trong thời gian vừa qua thì việc này sẽ giúp DN bảo đảm chất lượng sản phẩm, giữ giá thành ổn định để cạnh tranh. Thêm vào đó, đơn vị cũng quan tâm nghiên cứu để cho ra mắt sản phẩm mới, hướng đến mở rộng thị trường.
Đóng gói cà phê phục vụ xuất khẩu tại Công ty TNHH G20 Coffee G20 Việt Nam. |
Song song với việc linh động hoạch định kế hoạch sản xuất để ứng phó phù hợp với tình hình hiện tại, các DN trên địa bàn còn triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho người lao động để bảo toàn lực lượng sản xuất. Cụ thể, DN tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ khu vực nhà máy, thực hiện đo thân nhiệt, phát khẩu trang y tế, bố trí khu vực sát khuẩn, tuyên truyền kiến thức về phòng, chống dịch cho người lao động; quá trình sản xuất bảo đảm giãn cách theo quy định, tạm ngừng bếp ăn tập thể phục vụ người lao động tại công ty… Nhờ đó, hoạt động sản xuất được duy trì liên tục tại các DN trong khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Đồng hành với DN, Sở Công thương đang tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ DN, giảm khó khăn trong hoạt động giao thương như thúc đẩy giao thương trực tuyến, kết nối tiêu thụ sản phẩm của DN, cắt giảm thủ tục hành chính… Sở cũng theo dõi sát tình hình, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của DN để đề xuất tỉnh có hướng giải quyết kịp thời. Theo ông Trương Công Hồng, Phó Giám đốc Sở Công thương, DN cũng nên linh hoạt trong quản lý, điều hành, điều chỉnh kế hoạch, chiến lược kinh doanh hợp lý, xác định phương án phù hợp với tình hình sản xuất tại đơn vị trong tình huống dịch bệnh phức tạp hơn.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc