Để trái cây Đắk Lắk "sống khỏe" (kỳ 2)
Cùng nông dân tiêu thụ nông sản
Trong bối cảnh một số loại nông sản của tỉnh đang vào vụ, nhưng tiêu thụ khó khăn do chuỗi cung – cầu bị đứt gãy, khó lưu thông, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, hợp tác xã đã có những giải pháp hữu hiệu để khơi thông thị trường.
Chính quyền chung tay
Huyện Krông Pắc là vựa sầu riêng lớn nhất tỉnh, với diện tích khoảng 3.300 ha, sản lượng năm nay đạt trên 40.000 tấn, giá trị kinh tế mang lại khoảng 2.000 tỷ đồng. Trước thách thức của dịch COVID-19, địa phương đã có những giải pháp kịp thời nhằm tạo điều kiện cho thương nhân đến địa phương hoạt động thu hoạch, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sầu riêng. Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho hay, địa phương đã thành lập Tổ công tác phòng, chống COVID-19 lưu động để hỗ trợ kiểm soát y tế thương nhân ngay khi đến địa bàn. Đồng thời, có văn bản gửi các cấp, các ngành, địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đưa nhân công, kỹ thuật đến huyện thu mua sầu riêng.
Huyện Cư Kuin kiểm soát chặt xe chở nông sản ra vào địa bàn thu mua sầu riêng. Ảnh: Minh Thuận |
Ông Lê Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Thiện Tâm chi nhánh Đắk Lắk cho biết, trụ sở chính của doanh nghiệp đặt tại tỉnh Tiền Giang nhưng đã tham gia hoạt động mua bán, chế biến, tiêu thụ sầu riêng tại huyện Krông Pắc từ năm 2014 đến nay. Năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc thu mua, xuất khẩu sầu riêng dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn nên thay vì xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ thu mua và bóc múi, cấp đông, lưu kho để xuất khẩu khi thuận lợi.
"Ngành công thương tỉnh đã cùng các địa phương làm việc với những đơn vị liên quan trong hệ thống phân phối có giải pháp tiêu thụ nông sản cho người dân. Đồng thời, phối hợp với Sở Giao thông vận tải để có phương án vận chuyển không bị đứt gãy trong các tình huống có dịch” – Giám đốc Sở Công thương Lưu Văn Khôi.
|
Sau khi tìm hiểu thông tin thị trường và động thái của địa phương, doanh nghiệp đã có văn bản kiến nghị và nhận được trả lời kịp thời của UBND huyện Krông Pắc về việc hỗ trợ đưa nhân công, kỹ thuật đến thu mua, sơ chế, chế biến sầu riêng. Doanh nghiệp cũng đã kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tổ chức đoàn đưa công nhân lên Đắk Lắk làm việc. Đơn vị cam kết sẽ phối hợp, chấp hành nghiêm quy trình kiểm soát y tế để bảo đảm phòng dịch.
Để gỡ khó trong tiêu thụ dứa của nông dân, UBND huyện Krông Bông đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND xã Cư Drăm xây dựng phương án vận chuyển dứa ra khỏi vùng dịch.
Theo đó, các đơn vị đã làm việc và đề ra biện pháp cụ thể, trong đó đề nghị Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Dứa Cư Drăm có phương án thu mua dứa cho nông dân trong thời gian áp dụng giãn cách xã hội. UBND huyện cũng cho chủ trương thu mua, vận chuyển, lưu thông hàng hóa an toàn ra khỏi vùng dịch, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bà Trần Thị Len, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Dứa Cư Drăm cho biết, trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16 trên địa bàn xã, hợp tác xã thu mua khoảng 222 tấn dứa của nông dân, trong đó có 50 tấn dứa của các xã viên. Đơn vị cũng đề nghị người dân có dứa thu hoạch tập kết dứa ở vị trí thích hợp, xa nơi sinh hoạt và tiện cho thương lái vận chuyển.
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch tiêu thụ bơ, sầu riêng trong tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh niên vụ 2021. Theo đó, có hai phương án được đưa ra, cụ thể: Đối với trường hợp dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát (tình huống hiện nay) thì 80% sản lượng bơ (khoảng 32.000 tấn) và 20% sản lượng sầu riêng (khoảng 21.000 tấn) sẽ tiêu thụ trong nước. Còn lại dành cho thị trường xuất khẩu: bơ là 20% (khoảng 8.000 tấn); sầu riêng 70% (khoảng 72.000 tấn). Dự kiến sản lượng sầu riêng bóc tách, cấp đông, bảo quản lạnh khoảng 10.000 tấn. Trường hợp dịch COVID–19 ảnh hưởng hết sức phức tạp, tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực, cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc hỗ trợ, giúp người dân từ công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ bơ, sầu riêng. 90% sản lượng bơ được tiêu thụ trong nước (khoảng 36.000 tấn), 10% xuất khẩu (khoảng 4.000 tấn). 36% sản lượng sầu riêng được tiêu thụ trong nước (khoảng 37.000 tấn), 50% xuất khẩu (khoảng 51.000 tấn). Dự kiến sản lượng bóc tách, cấp đông, bảo quản lạnh 15.000 tấn sầu riêng. UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố lập danh sách và kiểm tra y tế đối với tất cả các mã số vùng trồng bơ, sầu riêng của doanh nghiệp, trang trại, tổ hợp tác và hợp tác xã trồng bơ, sầu riêng phải bảo đảm an toàn dịch bệnh COVID-19; lấy mẫu xét nghiệm với nhân công, lao động từ các địa phương khác đến tham gia thu hái sầu riêng, đóng gói, vận chuyển; xây dựng phương án cụ thể việc huy động lực lượng cho công tác thu hoạch, sơ chế, đóng gói bơ, sầu riêng trên địa bàn. |
Tại các địa phương mạnh về nông nghiệp khác như huyện Cư M’gar, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ…, các cơ quan chức năng cũng có những giải pháp tạo điều kiện thuận lợi để thương lái từ nơi khác đến thu mua nông sản. Người dân và các lái buôn địa phương cũng được hỗ trợ để chở nông sản ra khỏi vùng dịch tiêu thụ.
Cần hỗ trợ từ Trung ương
Mặc dù địa phương đã rất quyết liệt triển khai các giải pháp, tuy nhiên để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ nông sản có hiệu quả hơn, Đắk Lắk rất cần sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành và sự quan tâm của các nhà phân phối, nhà nhập khẩu trong việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Tỉnh đã đề nghị Bộ Công thương hỗ trợ kết nối, xúc tiến với các hiệp hội, nhà phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây trong và ngoài nước thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản, nhất là hai mặt hàng sầu riêng và bơ của tỉnh Đắk Lắk, đưa vào tiêu thụ trong các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên phạm vi toàn quốc và tìm kiếm đối tác xuất khẩu ra thị trường thế giới. Đồng thời, đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp, hỗ trợ đẩy mạnh phân phối sản phẩm nông sản của Đắk Lắk qua “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” trên sàn thương mại điện tử để đưa sản phẩm nông sản hướng tới một kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững trên nền tảng số, kết nối bán hàng trực tuyến với các kênh bán hàng trong và ngoài nước.
Điểm thu mua trái cây cho nông dân trên địa bàn xã Cư Suê (huyện Cư M'gar). Ảnh: Minh Thông |
Tỉnh cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu theo nguyên tắc "1 cung đường, 2 điểm đến”, phân tuyến “luồng xanh” thuận lợi nhất trong vận chuyển, lưu thông nông sản của tỉnh Đắk Lắk đi, đến, qua các tỉnh thành trong cả nước, nhất là tuyến đường vận chuyển vào các tỉnh phía Nam, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang… Đặc biệt, tạo điều kiện trong di chuyển để các thương lái, nhân công có tay nghề trong việc phân loại, sơ chế sầu riêng ở các tỉnh phía Nam yên tâm đến địa bàn Đắk Lắk hoạt động trong thời gian thực hiện Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Nguyễn Lê Cao Minh
Ý kiến bạn đọc