Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Pắc: Kiểm soát chặt hoạt động vận tải để phòng, chống dịch

10:09, 01/08/2021

Dừng triệt để các hoạt động vận tải hành khách đi và đến vùng có dịch, giám sát chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra hoạt động vận tải hàng hóa... là những giải pháp quan trọng giúp huyện Krông Pắc hạn chế nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 trên địa bàn.

Nhà xe Chương (thị trấn Phước An) có 2 xe giường nằm chạy tuyến Đắk Lắk – TP. Hồ Chí Minh. Từ ngày 30-5 đến nay, nhà xe đã dừng hẳn hoạt động vận tải hành khách theo yêu cầu phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng. Anh Trần Văn Đức, chủ nhà xe cho biết, việc ngừng xe khiến anh mất doanh thu khoảng 7 triệu đồng/ngày, phải cho tài xế và các nhân viên tạm nghỉ việc không lương.

Để giảm bớt khó khăn, giữa tháng 7, anh đã thuê 2 xe tải 3,5 tấn vận chuyển thực phẩm và một số mặt hàng thiết yếu từ huyện Krông Pắc vào TP. Hồ Chí Minh. Với tần suất 1 chuyến/ngày, anh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như xét nghiệm COVID-19 đối với tài xế và phụ xe, khai báo y tế đầy đủ tại các chốt kiểm soát, khử khuẩn xe hằng ngày, đảm bảo đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và khoảng cách an toàn khi giao và nhận hàng hóa.

Nhà xe Chương thực hiện các điều kiện đảm bảo an toàn khi nhận hàng hóa tại huyện Krông Pắc.
 

“Trong hoạt động tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT thường xuyên lồng ghép tuyên truyền và thực hiện phòng, chống dịch như: hướng dẫn người dân đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, xử lý ống thổi nồng độ cồn theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế…”. 

Thiếu tá Nguyễn Đức Tuấn, Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Krông Pắc

Nhà xe Quý Thảo (thị trấn Phước An) chạy tuyến Đắk Lắk – Bình Định cũng tạm dừng hoạt động vận tải hành khách từ ngày 28-6 để thực hiện phòng, chống dịch. Ông Trần Văn Quý, chủ nhà xe cho hay, 5 xe khách dừng chạy trong một tháng qua khiến ông thiệt hại doanh thu 15 triệu đồng/ngày. Khó khăn của nhà xe rất lớn, nhưng mối lo ngại về sự lây lan của dịch COVID-19 còn lớn hơn nên ông chỉ mong đợt dịch này sớm được kiểm soát để mọi hoạt động trở lại trạng thái bình thường. Hiện, ông cũng đã thuê xe tải chạy với tần suất 2 ngày 1 chuyến để đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa của người dân hai tỉnh và khắc phục phần nào khó khăn trước mắt.

Theo thông tin từ Đội CSGT, Công an huyện Krông Pắc, sau khi UBND tỉnh ban hành văn bản tạm dừng hoạt động vận tải hành khách từ Đắk Lắk đi và đến các địa bàn có dịch, ngày 31-5, đơn vị đã kiểm tra và phát hiện 3 xe vận chuyển hành khách từ TP. Hồ Chí Minh về huyện Krông Pắc. Lực lượng CSGT đã lập danh sách 69 người gồm lái xe, phụ xe và hành khách, đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của các xã, thị trấn có công dân đi trên các chuyến xe trên thực hiện khai báo y tế và ra quyết định cách ly tại nhà theo quy định. Đội CSGT ký cam kết với các nhà xe vận tải hành khách trên địa bàn huyện tạm dừng hoạt động vận tải hành khách đi và đến các địa phương công bố dịch.

Lực lượng CSGT kiểm tra, nhắc nhở các nhà xe chấp hành quy định về phòng, chống dịch.

Theo Thiếu tá Lâm Quang Đức, Phó Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Krông Pắc, phần lớn các phương tiện vận tải hành khách liên tỉnh trên địa bàn huyện đều khai thác các tuyến đi và đến vùng có dịch như: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… Chính vì vậy, lực lượng CSGT phải thường xuyên bám sát văn bản chỉ đạo của cấp trên để chủ động phối hợp kiểm tra, kiểm soát phương tiện và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

Hiện, các nhà xe đều chấp hành nghiêm túc việc dừng hoạt động vận tải hành khách đi đến tỉnh thành có dịch. Các HTX cũng ngừng cấp lệnh vận chuyển hành khách theo quy định. Đối với một số nhà xe có tổ chức vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lực lượng CSGT cũng thường xuyên phối hợp kiểm tra, nhắc nhở chủ nhà xe thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo lưu thông hàng hóa cho người dân song song với yêu cầu hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch bệnh lây lan qua hoạt động vận tải.

Huyện Krông Pắc đã ghi nhận các trường hợp dương tính với SAR-CoV-2. Việc kiểm soát chặt hoạt động vận tải là một trong những giải pháp quan trọng làm giảm nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.