Kênh hỗ trợ thiết thực cho người lao động
Vừa qua, Chính phủ đã có Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1-7-2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 7-7-2021 quy định chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đây là chính sách thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn của đại dịch.
Điểm nổi bật nhất của chính sách là người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để trả lương cho người lao động ngừng việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và phục hồi sản xuất kinh doanh.
Hoạt động giao dịch tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ea Kar. |
Theo ông Nguyễn Minh Hướng, Phó Giám đốc NHCSXH Chi nhánh Đắk Lắk, chính sách này cùng với nguồn vốn 7.500 tỷ đồng có ý nghĩa rất lớn nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của dịch bệnh, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động. Tinh thần của chính sách là hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để bị lợi dụng, trục lợi, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện.
Trước đây đã có chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động được vay vốn trả lương cho người lao động ngừng việc và phục hồi sản xuất kinh doanh tại NHCSXH, nhưng khách hàng khó đáp ứng điều kiện vay nên số vốn giải ngân được rất ít. Cụ thể, người sử dụng lao động phải bảo đảm điều kiện là có từ 20% hoặc từ 30 lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương; chứng minh gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương. Bên cạnh đó, mức vay chỉ được 50% lương tối thiểu vùng...
Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 đã khắc phục những bất cập trên, mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi hơn đối với các đối tượng thụ hưởng, qua đó giúp khách hàng dễ tiếp cận nguồn vốn chính sách. Theo đó, người sử dụng lao động có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-3-2022 được vay vốn tại NHCSXH với lãi suất 0%, mức vay bằng 100% lương tối thiểu vùng và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay. Khách hàng không phải chứng minh thiệt hại tài chính mà chỉ cần không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng, thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Đắk Lắk làm thủ tục giải ngân vốn vay cho khách hàng. |
Sau khi có chủ trương từ Trung ương, ngày 21-7-2021 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 6657/KH-UBND, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp thực hiện chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. NHCSXH Chi nhánh Đắk Lắk cũng đã gửi công văn thông báo và đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương và người dân biết để tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng sớm tiếp cận với chính sách.
Chi nhánh cũng đề nghị các địa phương gửi danh sách đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19 để phối hợp nắm bắt thông tin và nhu cầu vay vốn của các đối tượng trên địa bàn. Bên cạnh đó, đơn vị cũng chuẩn bị mọi điều kiện thuận lợi nhất để kịp thời giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng khi có nhu cầu và đầy đủ điều kiện theo quy định. Đồng thời, tổ chức tập huấn nghiệp vụ, quán triệt đến toàn thể cán bộ trong đơn vị nắm bắt thực hiện theo đúng hướng dẫn của NHCSXH. Các đối tượng thụ hưởng chính sách khi có nhu cầu vay vốn liên hệ chi nhánh và các phòng giao dịch sẽ được tư vấn, hướng dẫn các thủ tục vay vốn một cách nhanh chóng, thuận lợi..
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc