Multimedia Đọc Báo in

Trên cao nguyên M'Drắk

13:49, 29/08/2021

“Nơi đây thảo nguyên, từng đàn bò đùa nắng tung tăng mặt trời/ Du dương kèn Đing Năm, xa xăm ngọn Chư Prông, xa xăm biển rộng/… Bao nhiêu vì sao đêm đêm về đây bên cây lửa hồng…”.

Tôi rất thích ca khúc “Ơi M'Drắk” của nhạc sĩ Nguyễn Cường. Từ những năm cuối đại học ở Huế tôi đã nghe nhiều ca sĩ hát, nhưng phải đến lúc nghe ca sĩ Y Moan hát thì mới hiểu được vì sao các nhà phê bình âm nhạc vẫn nói Nguyễn Cường viết ca khúc này là để cho Y Moan và giọng hát của Y Moan sinh ra là để hát bài này của Nguyễn Cường. Nó réo rắt, nó cao vút, nó mê đắm và da diết trong từng nốt nhạc.

Tôi cứ liêu phiêu trong cảm hứng như vậy khi xe vẫn chầm chậm tiến từng bước lên đỉnh đèo Phượng Hoàng, từ phía thị xã Ninh Hòa của tỉnh Khánh Hòa. Đường nhựa phẳng phiu, nhưng người anh đồng môn thuở ở Trường Đại học Tổng hợp Huế là Trương Công Tính vẫn lái xe chạy thật chậm để tranh thủ ngắm từng đụn mây đang tràn từ các khe núi ra...

Nhưng chẳng phải đợi lâu. Từ trên đỉnh đèo lộng gió, rải rác qua những buôn làng là từng khoảng sáng bao la hiện dần phía trước. M'Drắk đã trước mắt tôi. Này là xã Ea Trang, Cư San, Cư Króa… với những nương rẫy ngày nào cháy khét bom đạn chiến tranh, nay đang bời bời từng mảng xanh của cây công nghiệp, lủng lẳng trái sum suê; này là những Ea M’đoal, Ea Riêng và Ea H’mlay đang xanh um tán vườn cây trồng dài ngày, rồi mía, đậu, ngô… mượt mà.

Các nhánh của hai sông Ea Krông Hnăng và Ea Krông Hding trong hệ thống sông Ba đã cho tôi những ngày thú vị với những thác nước đẹp không thể tả. Ấy là thác Ea M’đoal (xã Ea M’đoal), thác Bay (xã Cư Króa), thác Ea Krông (xã Ea Trang), thác Dray K’náo ở xã Krông Jing... Mỗi thác là một vẻ đẹp riêng, hùng vĩ, tơ óng và mời gọi. Rồi còn một nhánh sông Krông Pắc chạy theo ranh giới phía tây nam của huyện M'Drắk nữa. Tôi như đã nhìn thấy những giọt “lệ trời” rơi rụng trên cao nguyên bát ngát này, trong long lanh sắc nước, sắc mây của một tập hợp tới 48 hồ thủy lợi được xây dựng trong hàng chục năm qua để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và tạo cảnh quan môi trường cho cao nguyên này.

Cây ăn trái đã "bén duyên" trên cao nguyên M'Drắk. Trong ảnh: Một vườn cây ăn trái của người dân xã Ea Pil. Ảnh: Duy Tiến

Hôm về xã Cư Króa nhân lễ cưới cho con trai của một gia đình đồng hương, nhân tiện cùng chủ nhà đi xem vườn vải thiều vừa trồng, tôi chợt nghĩ về một M'Drắk bây giờ đang trẻ hóa từ tư duy. Lâu nay, tôi vẫn nghĩ vải thiều thì chỉ có ở các tỉnh ngoài Bắc. Thế nhưng bây giờ, sau những chìm nổi thăng trầm của giá cà phê, tiêu, cao su… thì người dân M'Drắk đang chuyển dần sang tìm cơ hội canh tác các cây trồng khác. Ở Cư Króa này, cây vải thiều đã bén duyên, nhìn cây rất vượng, sung mãn lắm, chồi nụ bời bời. Vườn vải sai trĩu quả ở cạnh vườn bạn tôi chỉ chừng 4 ha, trồng 1.000 gốc vải đã cho sản lượng khoảng 25 tấn/năm, với giá bình quân 20.000 đồng/kg (bán tại vườn) đã mang lại cho chủ nhân nguồn thu cỡ nửa tỷ đồng.

Nói thế để thấy, cái tư duy trì nặng rằng dân M'Drắk chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp nên cứ phải chịu nghèo là sai rồi. Nghèo thì đã một thời rõ quá. Là bởi cao nguyên lộng gió bát ngát đấy, ngắm chơi thì sướng chứ đất đai, thổ nhưỡng hầu hết là kém màu mỡ, là hóa chất hủy diệt của thời chiến tranh có khi còn lâu nữa mới thau gột hết. Rồi thì cao nguyên này nằm lọt giữa bốn bề đồi núi, ảnh hưởng bởi cả hai vùng khí hậu Đông Trường Sơn và Duyên hải miền Trung, nên hằng năm thường xảy ra hạn hán và mưa dài ngày, lũ lụt. Đấy là chưa kể sâu xa hơn về những đa dạng ngôn ngữ, phong tục tập quán và nếp sinh hoạt của một cộng đồng với 17 dân tộc, mà tới 48,7% dân số là dân tộc ít người, thì việc phát triển kinh tế - xã hội sẽ không thể là chuyện của một sớm một chiều.

Nhưng bây giờ thì M'Drắk, dẫu chưa giàu nhưng đã có thể nói là rất khá. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện M'Drắk nhiệm kỳ 2015 – 2020 hầu hết đều đạt và vượt, cho thấy một M'Drắk không chỉ đang từng bước xóa đói, giảm nghèo, mà là đang đột phá trên nhiều lĩnh vực.

Lương Duy Cường

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.