Multimedia Đọc Báo in

Vượt lên nghịch cảnh, làm ông chủ vườn ươm

08:19, 16/08/2021

Được sinh ra với thân thể lành lặn nhưng vụ tai nạn lao động cách đây 9 năm đã cướp đi một phần thân thể của anh Nguyễn Đình Đồng (SN 1985) ở thôn 6, xã Cư Né (huyện Krông Búk).

Trong lúc đang làm việc tại một công trình xây dựng nhà ở, anh Đồng không may bị giật điện ba pha khiến cơ thể gần như cháy rụi. Anh Đồng nhớ lại thời điểm tăm tối nhất của cuộc đời mình: "Tôi được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) điều trị trong tình trạng chết hồng cầu phải thay toàn bộ máu, cánh tay và ngón chân bị hoại tử. Khi tỉnh lại người tôi không có cảm giác gì. Thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhưng một cánh tay phải, nửa bàn chân đã không thể giữ lại”.

Anh Nguyễn Đình Đồng (xã Cư Né) chăm sóc vườn ươm cây giống.

Đang là lao động chính của gia đình bỗng chốc mọi việc lớn nhỏ đều dồn lên vai vợ, ngay cả chuyện sinh hoạt cá nhân, anh Đồng cũng đều cần sự giúp đỡ. Chỉ vào bàn chân biến dạng, anh Đồng nói: "Thời gian đầu, tôi hoàn toàn suy sụp tinh thần, nhiều lúc ý nghĩ tự tử lóe lên trong đầu, nhưng trách nhiệm của một người chồng, người cha không cho phép tôi buông bỏ".

Tận cùng của nước mắt là hạnh phúc. Tôi đã nghĩ như vậy để hạ quyết tâm học lại mọi việc như một đứa trẻ từ bước đi, ăn uống, tự phục vụ bản thân và xa hơn là chăm lo cho tổ ấm của mình” – anh Nguyễn Đình Đồng, xã Cư Né (huyện Krông Búk).

 

Anh Đồng bắt đầu tập đi, học cách làm mọi việc bằng tay trái. Gần 1 năm khổ luyện, giờ đây không chỉ đi lại bình thường, mà các công việc khó hơn như lái xe máy cày, cắt cỏ cho bò anh Đồng đều làm thành thục.

Quyết tâm không trở thành gánh nặng cho gia đình, anh Đồng luôn trăn trở phải có một nghề nghiệp ổn định để lo cho mình và lo cho vợ con. Suy tính kỹ, anh Đồng bắt đầu tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh của một số chủ vườn ươm cây giống trên địa bàn tỉnh về áp dụng.

Ban đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm cắt ghép cây và nguồn vốn hạn chế nên anh tận dụng vườn nhà, ươm một số giống cây dễ tiêu thụ trên thị trường bằng phương pháp gieo hạt. Dần dần, với số vốn tích lũy được sau mỗi vụ bán cây giống, anh mở rộng diện tích vườn ươm, đa dạng các loại cây giống.

Anh Nguyền Đình Đồng (xã Cư Né) chăm sóc đàn bò.

Hiện nay, vườn ươm của anh Đồng có khoảng 15 vạn bầu ươm. Ngoài các loại cây giống cà phê quen thuộc, anh Đồng còn ươm thêm nhiều loại giống cây ăn trái, như: sâu riêng, mít, chanh dây, bơ… với giá bán dao động từ 3.000 – 100.000 đồng/cây, tùy loại. Nhờ chất lượng cây giống đảm bảo mà vườn ươm của anh Đồng có một lượng khách quen ở hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum thường xuyên đặt hàng. Cứ vào mùa vụ từ tháng 2 - 6 hằng năm anh Đồng lại giúp 3 lao động có việc làm ổn định với mức lương khoảng 6 triệu đồng/tháng.

Thiếu sức khỏe, khó khăn trong vận động, sinh hoạt nhưng anh Đồng luôn khao khát cống hiến cho cộng đồng. Năm 2017, anh cùng với em trai đã hiến 7 sào đất khai hoang tại buôn Dhía (xã Cư Né) để Nhà nước quy hoạch làm khu tái định cư cho người dân. Tinh thần và ý chí nỗ lực vượt khó của anh là tấm gương cho nhiều người tàn tật khác tự tin hơn trong cuộc sống và tìm kiếm cơ hội cho bản thân mình.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.