Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh hỗ trợ nông dân tiêu thụ trái cây

08:19, 13/09/2021

Thời gian qua, chính quyền và các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã nỗ lực kết nối tiêu thụ nông sản trên địa bàn Đắk Lắk, trong đó có hai sản phẩm chủ lực là bơ và sầu riêng. Tuy nhiên, sản lượng hiện vẫn còn khá nhiều, tỉnh đang tiếp tục kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân trong mùa dịch.

Nếu như năm 2020 có khoảng 40% sản lượng sầu riêng và 30% sản lượng bơ của Đắk Lắk được xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, còn lại là tiêu thụ nội địa, thì năm nay, thị trường trái cây của Đắk Lắk gần như “đóng băng" do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung - cầu, lưu thông bị gián đoạn nhiều nơi.

Hàng loạt giải pháp hỗ trợ hiệu quả

Theo số liệu của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh có trên 12.000 ha sầu riêng, diện tích cho thu hoạch khoảng 5.300 ha, sản lượng khoảng 103.000 tấn, gồm nhiều giống sầu riêng như: sầu riêng địa phương, Ri6, Dona... có chất lượng rất tốt, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, đánh giá cao. Đối với cây bơ, tổng diện tích khoảng 9.000 ha, diện tích cho thu hoạch khoảng 5.400 ha, sản lượng 82.000 tấn. Đắk Lắk nổi tiếng với nhiều giống bơ khác nhau như: bơ 034, bơ sáp, bơ Booth, bơ Hass… được đánh giá chất lượng rất tốt, thơm ngon và rất đa dạng về hình dáng quả.

Thương lái thu mua sầu riêng ở xã Ea Yông, huyện Krông Pắc.

Để hỗ trợ cho việc tiêu thụ và chế biến sầu riêng, bơ trên địa bàn tỉnh niên vụ năm 2021 hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, UBND tỉnh đã có văn bản gửi các bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị quan tâm, hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sầu riêng, bơ và các nông sản khác của tỉnh Đắk Lắk trong tình hình dịch COVID-19. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa của tỉnh Đắk Lắk đi và đến các tỉnh thành trong cả nước.

Với những động thái đó, tỉnh đã kết nối được nhiều doanh nghiệp thu mua trái cây cho nông dân các địa phương. Tiêu biểu như: Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thương mại dịch vụ Ngọc Minh Châu (TP. Hồ Chí Minh) đang ký hợp đồng với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Krông Pắc tiêu thụ 7.000 tấn sầu siêng; Công ty TNHH Kinh doanh thương mại và dịch vụ An Nguyên đã ký kết tiêu thụ 150 tấn sầu riêng và 20 tấn bơ… Tỉnh còn phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) tổ chức chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” trên hai sàn thương mại điện tử là sendo.vn và voso.vn. Đồng thời, làm việc với các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại toàn quốc (hệ thống siêu thị Lotte, Big C, Vincom, Mega Market, Co.opmart…), các đơn vị thu mua nông sản trong và ngoài tỉnh để kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh.

Đắk Lắk cũng triển khai kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển, lưu thông nông sản trong điều kiện dịch COVID-19; đã cấp được hơn 4.000 thẻ nhận diện phương tiện chứa mã QR để các phương tiện vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh được ưu tiên lưu thông trên "luồng xanh" khi đến, đi, đi qua các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16.

Với sự nỗ lực đó, đến thời điểm hiện tại, Đắk Lắk đã tiêu thụ được gần 100.000 tấn sầu riêng và bơ ở thị trường nội địa, trong đó hơn 40.000 tấn sầu riêng, đạt khoảng 40% tổng sản lượng; 58.500 tấn bơ, đạt hơn 70% tổng sản lượng toàn tỉnh. Riêng vựa sầu riêng của tỉnh là huyện Krông Pắc cũng đã bán gần hết, chỉ còn khoảng 10% sản lượng.

Tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ nội địa

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, đến thời điểm này sầu riêng đã thu hoạch 75.000 tấn, chiếm khoảng 72% tổng sản lượng; trái bơ cũng đã thu hoạch được gần 70.000 tấn, chiếm 85% tổng sản lượng. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh vẫn còn trên 2.300 ha sầu riêng, với sản lượng 28.000 tấn, tập trung ở các huyện Krông Năng, Krông Búk, Ea H’leo và TX. Buôn Hồ. Đối với trái bơ, diện tích đang cho thu hoạch gần 1.300 ha, với sản lượng trên 12.000 tấn. Những diện tích này thu hoạch trong tháng 9-2021 và đang tìm kiếm đầu ra.

Vườn bơ Booth của nông dân huyện Krông Năng đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch chính.

Phòng NN-PTNT huyện Krông Năng cho biết, diện tích sầu riêng trên địa bàn huyện khá lớn, với 3.200 ha (diện tích cho thu hoạch khoảng 1.000 ha), sản lượng hơn 10.000 tấn hiện đang bắt đầu bước vào vụ thu hoạch chính. Hiện chính quyền và cơ quan chuyên môn đang tích cực nắm bắt thông tin và hỗ trợ kết nối tiêu thụ cho nông dân. Đặc biệt, huyện tạo điều kiện thuận lợi cho thương lái, doanh nghiệp vào thu mua và vận chuyển sản phẩm, bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Huyện cũng đang hỗ trợ các hợp tác xã đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, trên địa bàn huyện cũng đã có 4 hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, với tổng diện tích 60 ha, trong đó có sản phẩm bơ và sầu riêng, đã giúp ổn định đầu ra cho nông dân trong mùa dịch.

Trước tình hình trên, Đắk Lắk sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động kết nối, hỗ trợ tiêu thụ thông qua UBND các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lào Cai… và các kênh phân phối hiện đại như hệ thống Co.opmart, Big C, MM Mega, Bách hóa xanh... Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp đưa các mặt hàng nông sản trái cây lên "Gian hàng Việt trực tuyến" của các sàn thương mại điện tử.

UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, thương lái và phương tiện vận chuyển trong việc cấp giấy đi đường, ưu tiên test nhanh và được tiêm vắc xin phòng COVID-19 để được thuận tiện khi xuống địa bàn thu hoạch, phân loại, đóng gói. Cùng với đó, chỉ đạo các ngành tiếp tục rà soát số kho cấp đông trên địa bàn để giới thiệu cho các doanh nghiệp thu mua nông sản, hợp đồng thuê kho dự trữ tạm thời, chờ khi thuận lợi cung cấp ra thị trường tiêu thụ.

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị các cơ quan truyền thông tuyên truyền để người dân nắm bắt trong tình hình dịch khó khăn, ngày càng diễn biến phức tạp, tránh tình trạng chần chừ, chờ giá cao rồi bán dẫn đến mất cơ hội kết nối tiêu thụ.

Theo UBND tỉnh, về lâu dài, các cơ quan chuyên môn và địa phương cần tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu cho hai sản phẩm đặc thù là bơ và sầu riêng Đắk Lắk. Đồng thời, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước khác, hạn chế phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.