Huyện Cư M’gar: Nỗ lực khống chế bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò
Cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở ở huyện Cư M’gar đang triển khai quyết liệt các giải pháp để ngăn chặn, không để dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò lây lan trên diện rộng ở địa phương.
Huyện Cư M’gar ghi nhận trường hợp VDNC trên trâu, bò đầu tiên vào ngày 21-6 ở một hộ chăn nuôi tại thị trấn Ea Pốk. Sau đó, dịch đã lây sang một số xã. Đến nay, toàn huyện ghi nhận 64 con bò, bê của 45 hộ dân ở 36 thôn, buôn, tổ dân phố tại 14 xã, thị trấn mắc bệnh. Địa phương đã tiêu hủy 41 con bò, bê với tổng trọng lượng 6.555 kg. Trước diễn biến đó, cơ quan chuyên môn và chính quyền các xã, thị trấn đã thực hiện nhiều giải pháp để khống chế dịch bệnh. Việc khoanh vùng, xử lý ổ bệnh tránh lây lan và phòng, chống dịch đang được địa phương tập trung cao độ để thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Chủ tịch UBND thị trấn Ea Pốk cho biết, ngay sau khi phát hiện ổ dịch, thị trấn đã tổ chức tiêu độc khử trùng ở hộ gia đình có vật nuôi xuất hiện bệnh, thực hiện cách ly, nuôi nhốt gia súc có biểu hiện mắc bệnh theo quy định. Cùng với đó, yêu cầu 12 thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn khẩn trương tổ chức thực hiện tiêu độc, khử trùng, ngăn chặn và tiêu diệt véc tơ truyền bệnh như ruồi, muỗi, ve, mỏng... Các hộ chăn nuôi nhanh chóng quét dọn vệ sinh chuồng trại, khử khuẩn môi trường nuôi, xử lý chất thải động vật, dọn rửa dụng cụ chăn nuôi, phun thuốc sát trùng, rải vôi bột lối đi và xung quanh chuồng trại, các vùng phụ cận. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng, trị bệnh, yêu cầu các hộ dân không mua, bán bò ra khỏi vùng dịch. Đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, chưa bị lây lan sang những đàn gia súc lân cận.
Xác định mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, cơ quan Thú y huyện Cư M’gar phối hợp với các địa phương khẩn trương tổ chức tiêm phòng, bao vây các khu vực có vật nuôi bị mắc bệnh, hạn chế thấp nhất sự lây lan. Theo thống kê của Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện Cư M’gar, tính đến nay, huyện đã xã hội hóa việc thực hiện tiêm 3.700 liều vắc xin VDNC. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn công tác tiêm phòng, tuyên truyền cách phòng, chống dịch bệnh tại 14 xã, thị trấn.
Mới đây nhất, ngày 27-8, huyện cũng tiếp nhận 7.000 liều vắc xin từ tỉnh hỗ trợ. Ngay sau đó, cơ quan chuyên môn đã phân bổ về cho 14 xã, thị trấn và thực hiện đẩy mạnh việc tiêm vắc xin để bảo vệ đàn vật nuôi của người dân. Từ nguồn kinh phí dự phòng, huyện cũng đã trích hơn 110 triệu đồng để mua vật tư, hóa chất… thực hiện công tác phòng, chống dịch. Trạm Chăn nuôi - Thú y đã kịp thời cấp 166 lít Hantox-200 và 60 lít Hanlusep cho các địa phương chống dịch.
Cơ quan Thú y rắc vôi bột khử khuẩn, tiến hành xử lý ổ dịch viêm da nổi cục tại hộ chăn nuôi ở thị trấn Ea Pốk |
Sau khi dịch VDNC xuất hiện trên địa bàn, đàn bò gia đình chị H Rúp Kriêng (buôn Aring, xã Cuôr Đăng) nhanh chóng được tiêm ngừa. Chị cho hay, 5 con bò của gia đình đã được tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC từ cuối tháng 7. Đến nay, tất cả đều khoẻ mạnh, ăn uống tốt, điều này giúp chị an tâm hơn.
Còn tại xã Ea Drơng, dịch VDNC xuất hiện ở địa phương hồi trung tuần tháng 7. Những ngày qua, chính quyền địa phương và cơ quan thú y đã nỗ lực bao vây, khống chế không để dịch bệnh lây lan. Ông Lê Văn Vũ, cán bộ Thú y xã Ea Drơng cho hay, địa phương đang tốc lực triển khai tiêm phòng. Đến nay, đã tiêm vắc xin VDNC cho hơn 1.000 con bò, đạt tỷ lệ 70% và có 80% số con bò mắc bệnh đã được điều trị khỏi. Gần 10 ngày nay, trên địa bàn không phát hiện trường hợp tái phát dịch.
Cán bộ thú y xã Ea Drơng tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục cho đàn bò của một hộ dân trên địa bàn |
Nhờ phản ứng kịp thời của cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở và người dân nên tình hình dịch bệnh tạm thời được khống chế, không còn hiện tượng lây lan. Ông Nguyễn Quang Đức, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện Cư M'gar cho hay, đến nay, tỷ lệ số trâu, bò được tiêm phòng đạt tỷ lệ gần 40%/tổng đàn trâu, bò hiện có. Dịch bệnh VDNC có dấu hiệu lắng xuống, tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh giảm hẳn trong vòng 20 ngày trở lại đây. Đàn gia súc sau khi tiêm phòng nhìn chung phát triển tốt.
Tuy nhiên, theo ông Đức, địa phương hiện đang trong mùa mưa, thời tiết mưa ẩm, nắng nóng thất thường là môi trường thuận lợi để cho ruồi, muỗi sinh sôi, dịch bệnh VDNC có cơ hội tiến triển và bùng phát. Thêm vào đó, nhiều hộ gia đình trên địa bàn vẫn giữ tập quán chăn thả rông trâu, bò. Để tránh những diễn biến phức tạp có thể xảy ra, hệ thống thú y ở địa phương đang tăng cường công tác giám sát dịch bệnh đến tận thôn, buôn để sớm phát hiện, xử lý và khống chế ổ bệnh; triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin cho người dân nắm rõ các triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh, mức độ nguy hiểm và cách thức phòng, ngừa dịch bệnh VDNC; khuyến cáo người dân hạn chế người ra vào khu vực có gia súc mắc bệnh, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, tiếp tục vận động người chăn nuôi chủ động tiêm vắc xin VDNC cho đàn vật nuôi của mình...
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc