Multimedia Đọc Báo in

Nền móng khởi nghiệp trong học đường

08:30, 03/09/2021

Nhằm hướng tới mục tiêu tạo dựng tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong học đường, thời gian qua các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, cung cấp kiến thức và truyền cảm hứng làm chủ sự nghiệp, làm chủ bản thân cho sinh viên.

Hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hiện nay là chủ trương, quyết sách lớn của Đảng, Chính phủ, các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương và đang diễn ra rộng khắp trên mọi lĩnh vực.

Dạy khởi nghiệp từ trường

Hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sẽ rút ngắn khoảng cách từ nghiên cứu đến sản xuất, từ ý tưởng đến sản phẩm, góp phần gia tăng nhanh vòng quay kinh tế, tạo công ăn việc làm cho xã hội. Chính sự tác động lan rộng của quyết sách này, phong trào khởi nghiệp trong những năm qua đã phát triển ở nhiều đơn vị, địa phương, trong đó có các trường học.

Dự án chế tạo, phát triển và sản xuất kính thiên văn (phản xạ) của nhóm sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên.

Xác định tầm quan trọng của hoạt động khởi nghiệp, Trường Đại học Tây Nguyên đã đưa học phần Khởi nghiệp (2 tín chỉ) vào toàn bộ các chương trình đào tạo của nhà trường như là một học phần bắt buộc. Học phần này được thiết kế với lượng kiến thức cơ bản đủ để sinh viên có thể khởi sự và điều hành một doanh nghiệp nhỏ. Như vậy, tất cả các sinh viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Tây Nguyên đều được trang bị các kiến thức căn bản về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

PGS.TS Lê Đức Niêm, Thường vụ Đảng ủy, Phó Trưởng Ban tổ chức Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, kế hoạch hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trường Đại học Tây Nguyên giai đoạn 2021 - 2025 đã được xây dựng, trong đó nhà trường xác định hoạt động của mình là một bộ phận trong hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh. Vì vậy, kế hoạch đề ra mục tiêu là thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh trong nhà trường, đồng thời tăng cường liên kết với các cộng đồng khởi nghiệp trong và ngoài nước.

Trong 6 nhóm giải pháp để đạt được mục tiêu của mình, nhà trường xác định việc hoàn thiện học phần Khởi nghiệp trong chương trình đào tạo, áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực để thay đổi nhận thức, tư duy của sinh viên các ngành trong toàn trường là giải pháp được đặt lên hàng đầu.

 

Về mặt thực tiễn, các trường đại học, cao đẳng là một thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp cấp tỉnh. Chúng tôi nghĩ rằng hoạt động khởi nghiệp có thể thực hiện bất kỳ khi nào gặp được điều kiện thuận lợi trong suốt cuộc đời mỗi học sinh, sinh viên. Vì vậy nên trang bị cho các em đầy đủ kiến thức ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường”.

PGS. TS Lê Đức Niêm, Phó Trưởng Ban tổ chức  Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trường Đại học  Tây Nguyên

Còn tại Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Tây Nguyên, môn học Khởi sự doanh nghiệp cũng được đưa vào giảng dạy một cách bài bản trong học kỳ cuối của sinh viên, với những nội dung cốt lõi như: cách tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp; cách viết một bản kế hoạch kinh doanh; thực hiện một dự án khởi nghiệp theo đội, nhóm để bảo vệ hết môn và tư duy khởi nghiệp sáng tạo. Thầy Phạm Thanh Tuấn, giảng viên bộ môn Khởi sự doanh nghiệp, Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Tây Nguyên chia sẻ, qua 17 buổi học, môn học Khởi sự doanh nghiệp sẽ giúp sinh viên tự tin hơn trong lập thân lập nghiệp sau khi ra trường. Những nội dung trong môn học còn trang bị cho các em kiến thức và những kỹ năng để có thể tìm một ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, thiết thực, đồng thời xây dựng được một kế hoạch kinh doanh thành công.

Đa dạng các hoạt động

Thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Quyết định số 1665/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, cùng các chính sách khác từ Trung ương, từ Bộ Giáo dục và Đào tạo và của tỉnh, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã cụ thể thành các đề án, kế hoạch để triển khai hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo một cách thiết thực và tạo thành phong trào có chiều sâu.

Chẳng hạn như tại Trường Đại học Tây Nguyên, ngoài việc đưa khởi nghiệp vào thành môn học của sinh viên, nhà trường còn tổ chức các chương trình, hoạt động như: tập huấn kiến thức khởi nghiệp, hội thảo; Cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp và sáng tạo; tọa đàm, giao lưu… nhằm khuyến khích và hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp của sinh viên.

Đồng thời, Ban cố vấn chuyên môn chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Trường Đại học Tây Nguyên và Cổng thông tin hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đã được thành lập. Hiện nay, Đảng ủy nhà trường đã thông qua chủ trương thành lập Trung tâm khởi nghiệp và quan hệ doanh nghiệp nhằm hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp trong nhà trường.

Dự án “Elderly Home - Tìm kiếm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi” của thí sinh Phạm Ngọc Đông đoạt giải Nhất tại Cuộc thi Bee Startup 2021 do Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Tây Nguyên tổ chức.

Còn tại Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên, thầy Y Khoa Niê Kdăm, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên cũng như đặt những "viên gạch" vững chắc để xây nền móng cho hoạt động khởi nghiệp trong trường, nhà trường đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Kế hoạch sẽ tập trung thực hiện công tác tuyên truyền; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng khởi nghiệp; tổ chức Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên năm 2021; tạo môi trường hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp và tìm kiếm ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp… Từ đó, góp phần kích thích óc sáng tạo, tư duy năng động, truyền nguồn cảm hứng kinh doanh và phát huy tinh thần trải nghiệm thực tế trong việc lập dự án kinh doanh; đúc rút kinh nghiệm, kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, góp phần tự tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Không chỉ những trường kể trên mà thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã và đang có nhiều hoạt động thiết thực để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Tin rằng từ những bước khởi đầu vững chắc này, hoạt động khởi nghiệp trong học đường sẽ ngày càng phát triển và đạt được hiệu quả như mong muốn.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.