Multimedia Đọc Báo in

Nghị quyết 105/NQ-CP: "Liều thuốc" thúc đẩy sản xuất, phục hồi kinh tế

08:10, 20/09/2021

Ngày 9-9-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 (gọi tắt là Nghị quyết 105). Nghị quyết này được kỳ vọng sẽ góp phần vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nhóm giải pháp hàng đầu được Chính phủ đưa ra trong Nghị quyết 105 là thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho DN, HTX, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Để thực hiện điều này, Bộ Y tế cũng như các địa phương sẽ ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động của DN, HTX, hộ kinh doanh tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu, cụm công nghiệp, cơ sở chế biến các sản phẩm nông nghiệp, người làm việc tại các công trình trọng điểm.

Một doanh nghiệp sản xuất trong Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột).

Chính phủ xác định, nhiệm vụ quan trọng từ nay đến cuối năm là đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn để khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng. Theo đó, các địa phương phải thực hiện thống nhất “luồng xanh” vận tải; hỗ trợ các DN, HTX, hộ kinh doanh tham gia chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến và kết nối cung cầu trên môi trường số; huy động tối đa các nguồn lực hiện có để hỗ trợ cho người lao động tại các DN, HTX, hộ kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an toàn cho người lao động. Ngoài ra, các cơ quan chức năng, địa phương không được tạo ra các loại "giấy phép con” cản trở lưu thông hàng hóa, không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của các đơn vị sản xuất.

Một giải pháp được các DN mong chờ là hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền. Trong Nghị quyết 105, Trung ương sẽ ban hành chính sách liên quan đến giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn nhằm kịp thời hỗ trợ cho người lao động, DN, HTX, hộ kinh doanh và các đối tượng sử dụng lao động khác. Khẩn trương triển khai các chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu và khoản vay mới; mở rộng đối tượng, phạm vi, thời gian được áp dụng chính sách về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo thống kê sơ bộ của UBND tỉnh, từ đầu năm đến nay, số DN tạm ngừng hoạt động trên địa bàn tỉnh tăng 21,23% so với cùng kỳ năm 2020, riêng lĩnh vực HTX, có 25 đơn vị giải thể, ngừng hoạt động. Toàn tỉnh hiện có 10.042 DN, 605 HTX đang hoạt động.

Ông Huỳnh Văn Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết, Nghị quyết 105 đã đưa ra những giải pháp khá toàn diện, trong đó vấn đề được DN, HTX đặc biệt quan tâm là chính sách về đất đai, thuế, tài chính. Cộng đồng DN tỉnh mong chờ những giải pháp sớm đi vào thực tiễn để phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Cơ sở chế biến dăm gỗ của Hợp tác xã Tiến Nam (xã Cư M'ta, huyện M'Drắk).

Về phía tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị yêu cầu các sở, ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm 2021; triển khai có hiệu quả những chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN, HTX, hộ kinh doanh; tăng cường kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh và tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm.

Chính phủ kêu gọi cộng đồng DN, HTX, hộ kinh doanh phát huy tinh thần yêu nước, bản lĩnh, khát vọng vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững, đồng hành cùng các cấp, ngành, địa phương và nhân dân cả nước chiến thắng dịch bệnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.