Multimedia Đọc Báo in

Người kinh doanh kỳ vọng chính sách miễn, giảm thuế

08:42, 28/09/2021

Mới đây, Chính phủ đã công bố dự thảo đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội các giải pháp về thuế hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và hộ kinh doanh khắc phục khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 với tổng mức hỗ trợ khoảng 21,3 nghìn tỷ đồng.

Chịu tác động chung của dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay, người nộp thuế ở Đắk Lắk đang kỳ vọng các chính sách thuế sớm được ban hành và có thể tiếp cận để có thêm nguồn lực vượt qua đại dịch.

Ngày 16-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Nghị quyết ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Trong đó tập trung vào 4 chính sách miễn, giảm thuế cho người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Người dân mua hàng hóa thiết yếu tại một cửa hàng tạp hóa ở TP. Buôn Ma Thuột.

Cụ thể, Chính phủ đề nghị giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2021 với trường hợp DN có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và tổng doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2020.

Trường hợp DN mới thành lập hoặc chuyển đổi loại hình kinh doanh, hình thức sở hữu (sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản...) thì không áp dụng tiêu chí tổng doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2020 trong kỳ tính thuế năm 2021. DN nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu được giảm 30% mức tỷ lệ phần tính thuế giá trị gia tăng với hàng hóa, dịch vụ.

Chính phủ đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý III và quý IV năm 2021 của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Giảm thuế giá trị gia tăng từ ngày 1-10-2021 đến hết ngày 31-12-2021 với DN sản xuất kinh doanh các lĩnh vực: vận tải; dịch vụ lưu trú, ăn uống; hoạt động xuất bản (trừ xuất bản theo hình thức trực tuyến); điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; các đại lý du lịch; sáng tác, nghệ thuật và giải trí; thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; thể thao, vui chơi, giải trí.

Chính phủ cũng đề xuất miễn tiền chậm nộp thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với DN, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020. Quy định này không áp dụng với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nội dung nêu trên của nghị quyết với tỷ lệ tán thành 100%.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch bệnh. Chính sách thuế được xây dựng theo hướng đồng hành, hỗ trợ để người kinh doanh vượt qua đại dịch đã nhận được sự ủng hộ của hộ kinh doanh, DN Đắk Lắk.

Ông Phạm Văn Trường (chủ shop Trường My, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) cho hay, ông mở cửa hàng kinh doanh thời trang 12 năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên cửa hàng phải đóng cửa nhiều ngày như vậy. Doanh thu của cửa hàng năm 2020 giảm khoảng 50% so với bình thường và doanh thu từ đầu năm 2021 đến nay tiếp tục giảm 50% so với năm 2020.

Trong khi đó, ông vẫn chọn đóng các khoản thuế theo năm và không thay đổi với kỳ vọng hoạt động kinh doanh suôn sẻ, thuận lợi để bảo đảm thu nhập cho gia đình và công ăn việc làm cho nhân viên. Hiện tại, dịch COVID-19 trên địa bàn thị xã Buôn Hồ đang diễn biến phức tạp, do đó cửa hàng của ông đã tạm đóng cửa nhiều ngày nay. Việc miễn, giảm thuế phí cho người nộp thuế thời gian này là phù hợp, sẽ giúp những hộ kinh doanh như ông có điều kiện phục hồi một phần để vượt qua đại dịch.

Cán bộ Đội thuế liên phường Thắng Lợi - Tân Lợi (Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột) tư vấn chính sách thuế cho hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Tương tự, anh Trần Văn Toản, quản lý cửa hàng xe máy Tân Cường Thịnh (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) cho biết, hoạt động kinh doanh của cửa hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay. Doanh số bán hàng giảm mạnh trong những tháng xảy ra dịch bệnh, đặc biệt là từ cuối tháng 4 đến nay, thời điểm huyện Cư M’gar thực hiện Chỉ thị 15 của Chính phủ, doanh số bán hàng giảm 70 - 80%. Trong khi đó, cửa hàng vẫn phải chịu các khoản chi phí và lãi suất vay ngân hàng, duy trì việc hỗ trợ thu nhập cho người lao động. Do đó, khi chính sách miễn, giảm thuế có hiệu lực sẽ giúp cửa hàng có thêm động lực để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Theo ông Bùi Văn Chuẩn, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, nắm bắt tình hình Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các chính sách miễn, giảm thuế cho người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ngành thuế tỉnh đang tiếp cận và sẽ triển khai đến DN theo tinh thần là giảm 30% thuế thu nhập DN của DN có doanh thu từ 200 tỷ đồng trở xuống; giảm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh từ tháng 7 đến hết năm 2021; giảm tiền thuê đất, thuế suất giá trị gia tăng đối với một số ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19...

Ngành thuế tỉnh sẽ triển khai đến người nộp thuế theo nhiều hình thức khác nhau, với thủ tục hành chính đơn giản, linh hoạt nhất để bảo đảm người nộp thuế được tiếp cận và thực hiện tốt các chính sách miễn giảm thuế, sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo đánh giá của ngành tài chính, việc đề xuất bổ sung thêm điều kiện tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020 trong thực thi chính sách miễn giảm thuế thu nhập DN nhằm bảo đảm đối tượng thực sự bị khó khăn do dịch COVID-19 được giảm thuế. Còn đối tượng được thụ hưởng trực tiếp chính sách giảm 30% thuế giá trị gia tăng là người mua hàng hóa, dịch vụ và việc giảm thuế này cũng gián tiếp hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, khuyến khích bán hàng tốt hơn, nhiều hơn.

 

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.