Multimedia Đọc Báo in

Để nông nghiệp hữu cơ tương xứng với tiềm năng

08:10, 27/09/2021

Tháng 10-2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025, trong đó xác định một số huyện, thị, thành phố và các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai, đến nay nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh vẫn phát triển chưa tương xứng tiềm năng.

Còn nhiều khó khăn

Quy trình sản xuất hữu cơ khá khắt khe, đòi hỏi người sản xuất phải chuyên sâu về kỹ thuật ứng dụng, đầu tư công lao động nhiều, chi phí sản xuất cao nên giá bán sản phẩm rau hữu cơ thường cao gấp nhiều lần so với sản phẩm cùng loại sản xuất thông thường. Sản xuất hữu cơ chủ yếu thuận tự nhiên nên dễ bị tác động bởi thời tiết, khí hậu.

Vườn đu đủ hữu cơ của Công ty Liên kết nông dân tại phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột.
Vườn đu đủ hữu cơ của Công ty Liên kết nông dân tại phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột.

Trong khi đó, năng suất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thấp hơn so với sản xuất hóa học, hình thức mẫu mã không đẹp, không bắt mắt, khó cạnh tranh với sản phẩm sản xuất thông thường khi mà sản phẩm hữu cơ chưa được chứng nhận.

Mặt khác, thị trường trong nước cho sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ chưa rộng, phần lớn dựa vào niềm tin từ chất lượng sản phẩm được gây dựng từ những cơ sở sản xuất có trách nhiệm và uy tín (chủ yếu như rau, quả), trong khi thị trường xuất khẩu hầu như không có, chủ yếu vẫn là doanh nghiệp đầu tư, tự tìm kiếm thị trường. Cũng do thị trường xuất khẩu cho sản phẩm hữu cơ Việt Nam rất hạn chế nên các doanh nghiệp lớn chưa mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này.

Một số chính sách được ban hành nhưng khi triển khai thì vấp phải nhiều vướng mắc, khó khăn trong thực tế. Công tác thông tin, tuyên truyền về tầm quan trọng của nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế, nhận thức của người sản xuất về nông nghiệp hữu cơ chưa đầy đủ, việc tổ chức sản xuất tuân thủ quy định nghiêm ngặt của tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ là một thách thức lớn.

Cần những giải pháp thiết thực

Để nông nghiệp hữu cơ phát triển, cần khẩn trương khảo sát, đánh giá các điều kiện liên quan (tiểu khí hậu, đất đai, cây trồng, tưới tiêu…) để có kế hoạch khoanh vùng cụ thể cho từng cơ sở, xã, phường, từng loại cây trồng sản xuất hữu cơ hợp lý, xác định chủng loại sản phẩm, quy mô sản xuất phù hợp, gắn phát triển nông nghiệp hữu cơ với du lịch sinh thái.

Một vấn đề hết sức quan trọng là cần đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực hành nông nghiệp hữu cơ tại địa phương. Vì hiện nay ngoài một số ít doanh nghiệp và hộ sản xuất được đào tạo ngắn hạn tại Nhật Bản, hoặc được đào tạo lại từ những người có thời gian học tập ở Nhật Bản và một số nước tiến bộ, đang thực hiện mô hình hữu cơ tại địa phương thì hầu hết những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, kể cả cán bộ khuyến nông chưa được đào tạo về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kể cả cán bộ quản lý. Nếu chưa hình thành được đội ngũ quản lý, kỹ thuật thực hành nông nghiệp hữu cơ thì không thể phát triển lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ được.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần đánh giá thực tế sản xuất hữu cơ để đề xuất xây dựng tài liệu, quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Khuyến khích nông dân tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học nhằm khai thác tối đa nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp cũng như các nguồn hữu cơ khác; hướng dẫn sử dụng các giống có năng suất và chất lượng cao, khả năng kháng sâu bệnh cao, tăng cường việc áp dụng IPM và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thiên địch trong sản xuất hữu cơ.

Mô hình nông nghiệp hữu cơ của nhóm thanh niên khởi nghiệp ở phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột.

Quan tâm vấn đề kiểm tra, giám sát quá trình sản xuất, chế biến để đáp ứng yêu cầu chất lượng theo quy định hiện hành. Tuyên truyền, quảng bá và huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội trong các hoạt động giám sát, giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng các sản phẩm hữu cơ.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh sản phẩm hữu cơ, sản xuất phân bón hữu cơ, phân sinh học, vi sinh, chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học để phục vụ đầy đủ cho sản xuất.

Khảo sát, nắm bắt, theo dõi các doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã thành công tại địa phương để hỗ trợ tiếp cận các công nghệ mới và nhất là các quy chuẩn, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu để ứng dụng hợp lý.

Hỗ trợ cấp chứng nhận, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên các sàn giao dịch nhằm tạo thuận lợi cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của địa phương ra thị trường trong và ngoài nước.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.