Multimedia Đọc Báo in

Nhức nhối tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện

08:11, 20/09/2021

Tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn điện trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp trong thời gian qua đã làm gián đoạn hoạt động cung cấp điện và gây những hậu quả đáng tiếc. Trước thực trạng trên, các ngành chức năng đã có nhiều hoạt động phối hợp kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm, cùng với tuyên truyền pháp luật nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm về điện.

Hàng loạt sự cố do vi phạm an toàn lưới điện

Hành lang bảo vệ an toàn lưới điện là khoảng cách an toàn để bảo vệ công trình lưới điện và công trình dân dụng của người dân.

Theo thống kê của Công ty Điện lực Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 798 sự cố về điện, tăng 336 vụ so với cùng kỳ năm 2020. Sự cố xảy ra nhiều ở các địa phương như huyện Krông Ana, Krông Bông, Ea H’leo và Buôn Đôn.

Đáng chú ý trong số này, có 6 sự cố tai nạn điện có nguyên nhân do vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp (LĐCA), hậu quả đã gây thiệt hại về người.

Nhân viên Công ty Điện lực Đắk Lắk đẩy mạnh tuyên truyền tại các công trình đang xây dựng có lưới điện cao áp đi qua.

Đơn cử, vào ngày 13-5, anh Phạm Huy H. cùng nhóm công tác của một công ty quảng cáo tiến hành thi công sửa chữa bảng quảng cáo cho một cửa hàng tôn, sắt, thép ở xã Ea Na, huyện Krông Ana gần đường dây 22kV đang mang điện. Quá trình thi công, do bất cẩn, anh H. đã đưa nẹp bảng quảng cáo vi phạm khoảng cách với dây dẫn trung áp 22kV và gây phóng điện. Nhờ người dân phát hiện, đưa đi cấp cứu kịp thời nên anh H. bảo toàn được tính mạng, song vụ tai nạn đã làm anh bị bỏng ở tay, đùi và phần bụng.

Trước đó, vào sáng 28-3, ông Nguyễn Văn L. (xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ) cùng vợ là bà Trần Thị H. bắc giàn giáo để lắp đà lợp tôn dưới tuyến đường dây cao áp 22kV đang mang điện. Trong khi đưa đà lên, do thiếu quan sát, vợ chồng ông đã vi phạm khoảng cách an toàn hành lang lưới điện dẫn đến bị phóng điện. Hậu quả làm bà H. tử vong.

Điều đáng nói hơn là các sự cố đáng tiếc trên hoàn toàn có thể phòng ngừa, ngăn chặn nếu tuân thủ nghiêm túc các quy định về khoảng cách an toàn LĐCA.

Công ty Điện lực Đắk Lắk hiện đang quản lý hơn 400 km đường dây cấp điện áp 110kV; 230 km đường dây 35kV; 4.560 km đường dây 22kV; 6.500 km đường dây hạ áp và gần 5.900 trạm biến áp phụ tải, phục vụ cung cấp điện cho 566.000 khách hàng. Đắk Lắk là tỉnh có địa bàn rộng, nhiều khu vực đường dây, lưới điện đi qua đồi núi, các rừng đặc dụng, vườn cây trồng của người dân. Chưa kể, lưới điện tại một số khu vực vùng sâu, vùng xa nhiều đường dây băng qua các khu vực nương rẫy, rừng trồng của người dân có nguy cơ chạm chập cây cối, nhưng nhiều hộ không đồng ý cho công nhân ngành điện chặt, tỉa để bảo đảm khoảng cách an toàn.

 
“Bên cạnh những giải pháp, nỗ lực của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và ngành điện thì mỗi người dân cần chấp hành nghiêm các quy định, nâng cao ý thức bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp, cũng là tự bảo vệ mình và cho cộng đồng.
 
Ông Trần Tấn Phùng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk

Ông Trần Tấn Phùng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk cho hay, nổi cộm trong thời gian gần đây là tình trạng người dân tự ý thi công, cải tạo công trình xây dựng, công trình nhà ở, sản xuất, trồng cây gần và nằm trong hành lang LĐCA mà không phối hợp với ngành điện triển khai các biện pháp an toàn, bảo đảm khoảng cách theo quy định dẫn đến nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra. Điều này không những gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, vận hành hệ thống điện của Công ty Điện lực Đắk Lắk mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân.

Đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ hành lang lưới điện

Để khắc phục tình trạng này, ngành điện địa phương đã tăng cường các giải pháp như bọc cách điện, siết chặt công tác quản lý vận hành lưới điện.

Cùng với đó, các Điện lực trực thuộc ở các huyện thường xuyên kiểm tra hành lang tuyến, đẩy mạnh rà soát các công trình xây dựng gần hành lang an toàn LĐCA, kịp thời có bảng cảnh báo, phát tờ rơi về an toàn hành lang tuyến tại những công trình người dân đang xây dựng, bảo đảm khoảng cách an toàn lưới điện trong quá trình vận hành.

Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương xử lý các trường hợp vi phạm và tích cực vận động, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức, cùng tham gia bảo vệ hành lang LĐCA.

Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh cũng đã có văn bản yêu cầu các ngành chức năng tăng cường phối hợp kiểm tra, rà soát, xử lý những trường hợp gây mất an toàn công trình LĐCA trên địa bàn.

Cụ thể, UBND tỉnh giao các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp tổ chức thanh, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm xâm hại đến công trình LĐCA; kiểm tra, rà soát các bảng, biển, panô quảng cáo có khả năng gây mất an toàn đường dây dẫn điện trên không; xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn LĐCA nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của hệ thống LĐCA; đẩy mạnh phòng, chống cháy rừng trong khu vực có đường dây truyền tải điện cao áp đi qua.

Đặc biệt, yêu cầu Truyền tải điện Đắk Lắk, Công ty Điện lực Đắk Lắk thường xuyên kiểm tra, rà soát các tuyến đường dây dẫn điện và trạm biến áp nhằm phát hiện cây trồng mới, nhà cửa, công trình dự kiến xây dựng, cải tạo dọc theo hành lang tuyến đường dây tải điện có khả năng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện để kịp thời vận động, tuyên truyền, giải thích cho nhân dân biết, chấp hành đúng quy định...

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.