Multimedia Đọc Báo in

Phấn đấu giai đoạn 2021 – 2025 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 476.400 tỷ đồng

17:13, 10/09/2021

Ngày 9-9, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 8631/KH-UBND triển khai Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ về “phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, mục tiêu chung là phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh theo hướng hiện đại, văn minh phù hợp với quy mô, đặc điểm của tỉnh trong từng gian đoạn, đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững; tạo cầu nối vững chắc giữa sản xuất với tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, đảm bảo an ninh quốc phòng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động thương mại, dịch vụ nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

UBND tỉnh phấn đấu giai đoạn 2021 – 2030, giá trị tăng thêm của ngành thương mại đạt tốc độ tăng bình quân từ 9-10%/năm; đến năm 2030 đóng góp khoảng 15-16% vào GDP của tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 476.400 tỷ đồng của giai đoạn 2021 – 2025 và đạt khoảng 520.000 tỷ đồng giai đoạn 2026 – 2030.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt mức tăng trưởng bình quân 8-9%/năm. Đến năm 2030, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm khoảng 10-11% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh…

Giai đoạn 2031 – 2045, giá trị tăng thêm của ngành thương mại trong tỉnh đạt tốc độ tăng bình quan khoảng từ 8-9%/năm; đến năm 2045 đóng góp khoảng 15-16% vào GDP của tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt mức tăng trưởng bình quân 8-9%/năm.

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột. (Ảnh minh họa)
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột. (Ảnh minh họa)

Đến năm 2045 doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm khoảng 15-16% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; phấn đấu giai đoạn 2031 – 2045, đạt trên 70% các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sản phẩm thương mại trong tỉnh. Đến năm 2045 kết cấu hạ tầng thương mại được hiện đại hóa và 100% các hệ thống hạ tầng thương mại khu vực thành thị vận hành dựa trên áp dụng công nghệ số hóa…

Kế hoạch đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh và quản lý hoạt động thương mại theo đúng cơ chế thị trường và cam kết quốc tế; Gia tăng cầu tiêu dùng cuối cùng trong tỉnh, phát triển doanh nghiệp phân phối, gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa; Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại; Phát triển thương mại điện tử, các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hóa; Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin dự báo xu hướng thị trường nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời ứng phó với những đột biến bất lợi của thị trường; Thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển thương mại; Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, hiệu quả thực thi pháp luật về hoạt động thương mại thị trường; Nâng cao ý thức, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong các hoạt động thương mại.

UBND tỉnh giao các sở, ban ngành liên quan triển khai thực hiện kế hoạch theo từng chức năng, nhiệm vụ; tham mưu xây dựng các chính sách thu hút đầu tư vào phát triển thương mại trong tỉnh cũng như các cơ chế chính sách nhằm tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa và dịch vụ trên thị trường…

UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bố trí ngân sách, nhân lực để thực hiện kế hoạch trong phạm vi quản lý; phân bổ và sử dụng vốn hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại từ ngân sách nhà nước, bảo đảm đúng mục đích và có hiệu quả; theo dõi, kiểm tra, giám sát và báo cáo nội dung thực hiện kế hoạch theo quy định; khảo sát, lựa chọn các công trình đầu tư phát triển hạ tầng thương mại đưa vào kế hoạch đầu tư cho từng giai đoạn…

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.