Multimedia Đọc Báo in

Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công

08:15, 24/09/2021

Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt thấp, nhiều công trình, dự án chưa giải ngân được vốn. Đây là điều đáng lo ngại trong bối cảnh thời gian còn lại của năm 2021 không còn nhiều. Nếu không có những giải pháp quyết liệt hơn thì nguy cơ tắc nghẽn vốn rất dễ xảy ra vào thời điểm cuối năm.

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng số vốn thuộc kế hoạch năm 2020 chuyển nguồn sang năm 2021 để thực hiện là trên 605 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã giải ngân được trên 225,5 tỷ đồng (đạt 37,2%), số vốn còn lại chưa giải ngân trên 380 tỷ đồng. Năm 2021, tổng kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản gần 5.179 tỷ đồng, trong đó đã phân bổ chi tiết để thực hiện các dự án thuộc ngân sách tỉnh quản lý trên 3.745 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay đã giải ngân được trên 900 tỷ đồng (24,05% kế hoạch), trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân gần 375 tỷ đồng (26,44%), nguồn vốn ngân sách địa phương hơn 525,6 tỷ đồng (22,58%). Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 8 tháng năm 2021 còn thấp hơn 16% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có 9 chủ đầu tư giải ngân trên 35%, 26 đơn vị giải ngân dưới 30%, 6 đơn vị chưa giải ngân được đồng vốn nào.

Điều đáng lo lắng là các dự án lớn cũng giải ngân chậm, đơn cử như công trình đường tránh Đông - Tây TP. Buôn Ma Thuột có vốn kế hoạch năm 2021 hơn 587 tỷ đồng, nhưng mới giải ngân được hơn 262 tỷ đồng (43,9%); Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập có vốn kế hoạch 154,6 tỷ đồng, mới giải ngân được hơn 6,8 tỷ đồng (4,4%), Dự án Hồ thủy lợi Ea Tam vốn kế hoạch 370 tỷ đồng, nhưng tính đến hết tháng 8-2021 chưa giải ngân được đồng vốn nào…

Thi công chặn dòng hồ thủy lợi Krông Pách thượng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh, việc giải ngân vốn chậm đã ảnh hưởng đến “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế của tỉnh. Số vốn đầu tư giải ngân thấp do một số nguyên nhân như: các dự án khởi công mới đang tập trung thực hiện triển khai công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu xây lắp, giải phóng mặt bằng nên chưa có khối lượng để thực hiện giải ngân. Trong quá trình thực hiện, một số dự án, công trình phải kéo dài để điều chỉnh dự toán, quy mô và hợp đồng xây dựng do giá vật liệu xây dựng tăng đột biến trước ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các chủ đầu tư đôi lúc còn có ý chờ làm thủ tục giải ngân một lần đối với công trình có tổng mức đầu tư nhỏ. Một số dự án được bố trí đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất nhưng việc thu tiền sử dụng đất còn chậm nên thiếu vốn để thực hiện giải ngân…

 

Đến ngày 30-9-2021, đơn vị nào không thực hiện bảo đảm giải ngân đạt 60% kế hoạch vốn giao từ đầu năm, bị Trung ương thu hồi, cắt giảm kế hoạch vốn, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo tổ chức kiểm điểm”.

 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh

Trước thực trạng trên, ngày 17-9-2021, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể, các chủ đầu tư phải chấp hành việc đăng ký và cam kết kế hoạch giải ngân cụ thể từng dự án theo các mốc thời gian ngày 30-9-2021, 31-12-2021 và 31-1-2022, trong đó, đến ngày 30-9-2021 phải giải ngân được tối thiểu 60% vốn được giao năm 2021. Chủ động thực hiện thủ tục lập, trình thẩm định, phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư (nếu có) để sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Khẩn trương nghiệm thu khối lượng, lập thủ tục hoàn ứng, thanh toán để giải ngân vốn, kịp thời đề nghị điều chuyển công trình, dự án không có khả năng giải ngân theo kế hoạch đã đăng ký. Những chủ đầu tư mà đến ngày 31-7-2021 giải ngân dưới 25% kế hoạch vốn giao đầu năm 2021 thì phải kiểm điểm, chấn chỉnh và có giải pháp khắc phục.

Bê tông hóa một tuyến giao thông nông thôn trên địa bàn xã Ea Khal, huyện Ea H'leo.

Đối với các sở, ban, ngành, phải phối hợp tốt với các chủ đầu tư trong giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quá trình thực hiện dự án. Các đơn vị được giao tiền sử dụng đất, gồm: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh và Sở Tài chính, khẩn trương triển khai kế hoạch thu tiền sử dụng đất để bảo đảm nguồn vốn cho các công trình đã có trong kế hoạch. 

Về phía các địa phương, thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn để xử lý những khó khăn trong quá trình thực hiện, gắn với trách nhiệm người đứng đầu; thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch và lựa chọn nhà thầu đủ năng lực. Đồng thời, xử lý các nhà thầu vi phạm tiến độ hợp đồng và chủ đầu tư không làm thủ tục thanh toán khi có khối lượng. Các đồng chí bí thư huyện ủy, thị ủy, thành ủy phải chỉ đạo quyết liệt về giải ngân vốn đầu tư công, xác định kết quả giải ngân vốn đầu tư là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu, tập thể và cá nhân liên quan.

UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức kiểm tra về công tác giải ngân vốn đầu tư công, tham mưu cho tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án và đề nghị xem xét, điều chuyển vốn từ các công trình, dự án chậm giải ngân để bố trí cho các dự án khác.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.