Multimedia Đọc Báo in

Giải bài toán an sinh, việc làm cho người lao động về quê

09:09, 22/10/2021

Thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hàng vạn người dân Đắk Lắk từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phải về quê. Đây là áp lực lớn đối với địa phương trong công tác bảo đảm an sinh xã hội và giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho người lao động.

Vợ chồng anh Trần Trung Hiếu (thôn 1, xã Ea Rốc, huyện Ea Súp) vào tỉnh Bình Dương làm công nhân cho một doanh nghiệp sản xuất đồ gia dụng từ đầu năm 2020. Do dịch COVID-19 bùng phát, doanh nghiệp đóng cửa, vợ chồng anh mất việc, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nên vừa qua, vợ chồng anh cùng con nhỏ phải dắt díu nhau về quê bằng xe máy.

Điều anh Hiếu cảm thấy ấm lòng là sau khi về quê, gia đình anh nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền và người dân địa phương. Tuy nhiên, anh cũng lo lắng vì cuộc sống thời gian tới chưa biết xoay xở thế nào.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 huyện Ea Súp thăm hỏi, hỗ trợ người lao động ở xã Cư Kbang trở về từ tỉnh Bình Dương có hoàn cảnh khó khăn.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh đã có 19.835 người dân từ các tỉnh thành phía Nam về. Điều này đặt ra bài toán khó đối với các cấp chính quyền, địa phương trong công tác bảo đảm y tế, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động.

Như tại địa bàn huyện Ea Súp, đến đầu tháng 10-2021, toàn huyện có 1.242 công dân từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam trở về địa phương. Những người về quê đa phần là công nhân, lao động nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Để giải quyết vấn đề này, huyện đã tổ chức đón tiếp chu đáo công dân về và bố trí cách ly y tế tập trung tại cơ sở cách ly của huyện, xã, thị trấn và tự cách ly tại nhà.

Những trường hợp cách ly tại nhà, nơi cư trú được chính quyền địa phương và các tổ COVID-19 cộng đồng giám sát chặt chẽ nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh. Bí thư Huyện ủy Ea Súp Nguyễn Thiên Văn cho biết, bà con về quê có hoàn cảnh khó khăn được địa phương hỗ trợ về thực phẩm, nhu yếu phẩm. Bên cạnh đó, các tổ chức, đoàn thể cũng thực hiện các bếp ăn miễn phí phục vụ người dân ở khu cách ly.

Vừa qua, Thường trực Huyện ủy tổ chức 3 đoàn thăm hỏi, động viên và hỗ trợ công dân về quê có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. Thời gian tới, Huyện ủy chỉ đạo các xã, thị trấn kiểm soát tốt nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, người cách ly y tế; chủ động rà soát các đối tượng để tiêm vắc xin, trong đó, ưu tiên tiêm cho sinh viên và những đối tượng ưu tiên khác; tiếp nhận và phân bổ kinh phí hợp lý trong công tác phòng, chống dịch, không để người dân thiếu ăn và không được chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, địa phương triển khai hiệu quả các gói an sinh xã hội để giúp người dân ổn định cuộc sống.

Một cơ sở công nghiệp nông thôn tại xã Cư Huê (huyện Ea Kar) tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Để ổn định cuộc sống trước mắt cho người dân, đến thời điểm này, UBND tỉnh đã phân bổ hơn 543 tấn gạo để cấp phát cho 9.981 hộ, với 35.626 khẩu gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, các địa phương đã dùng ngân sách cứu đói cho 3.514 hộ, 12.158 khẩu, khối lượng hơn 149 tấn gạo. Tỉnh cũng đã có tờ trình đề nghị Chính phủ hỗ trợ 1.014 tấn gạo cho 67.639 người.

Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2020/QĐ-TTg của Chính phủ về hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, toàn tỉnh đã thực hiện chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội cho 2.979 doanh nghiệp, người sử dụng lao động, với 44.155 người, kinh phí hơn 14 tỷ đồng; hỗ trợ 7 doanh nghiệp, người sử dụng lao động vay vốn chính sách, với 204 lao động, kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Về chính sách hỗ trợ tiền mặt, tỉnh cũng đã phê duyệt hỗ trợ cho 5.865 người, kinh phí gần 22,7 tỷ đồng.

Khó khăn hiện nay trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 là lao động tự do không có giao kết hợp đồng từ các địa phương về với số lượng lớn, trong khi ngân sách của tỉnh không đáp ứng được.

Do đó, tỉnh kiến nghị Trung ương bổ sung kinh phí để hỗ trợ cho đối tượng này. Về vấn đề giải quyết việc làm, hiện đang là thời điểm vào vụ thu hoạch cà phê, cần số lượng nhân công lớn, nên trước mắt, lực lượng lao động tự do sẽ được giải quyết việc làm và thu nhập.

Thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ sớm hoàn chỉnh đề án giải quyết việc làm và dạy nghề cho người lao động; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xây dựng phương án vừa cách ly phòng, chống dịch bệnh, vừa sản xuất bảo đảm an toàn. Cùng với đó, hướng dẫn thực hiện tốt chính sách lao động, tiền lương cho người lao động, ổn định tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp.

Hiện nay, một số doanh nghiệp sản xuất bao bì, giày da tại Khu công nghiệp Hòa Phú và Tâm Thắng (tỉnh Đắk Nông) đang có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng khá lớn. Đây là cơ hội việc làm tốt cho người lao động Đắk Lắk từ nơi khác về trong bối cảnh thị trường lao động cuối năm không sôi động và nhiều người chưa muốn trở lại các tỉnh thành phía Nam tìm việc.

 

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.