Multimedia Đọc Báo in

Làm kinh tế hiệu quả khi thay đổi tư duy sản xuất

08:55, 26/10/2021

Là xã vùng ven TP. Buôn Ma Thuột, những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của xã Ea Tu đã lan tỏa sâu rộng, góp phần đổi mới tư duy nông dân và đóng góp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Hộ ông Võ Tiến Dũng là một trong những gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu ở xã Ea Tu. Với 5 ha sầu riêng Dona từ 15 đến 20 năm tuổi, mỗi vụ ông thu bình quân 100 tấn sầu riêng, lợi nhuận gần 4 tỷ đồng.

Ông Dũng cho biết, trước đây ông cũng canh tác cà phê như nhiều hộ trong vùng. Sau khoảng thời gian cà phê rớt giá, không đủ bù chi phí sản xuất, ông mạnh dạn chuyển đổi dần sang trồng cây sầu riêng.

Để thành công với mô hình sản xuất sầu riêng như hiện nay, ông đã từng đi đến nhiều vùng canh tác sầu riêng lâu năm để học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, tổ chức vườn cây.

Nhận thấy nhu cầu thị trường đang dần hướng đến các sản phẩm sạch, ông thay đổi dần từ sử dụng các loại phân, thuốc hóa học sang các loại phân hữu cơ, chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh, nâng tỷ lệ sử dụng các giải pháp hữu cơ trong vườn cây lên đến 90%.

Ba năm trước, ông đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt điều khiển tự động cho toàn bộ diện tích, không chỉ giúp tiết kiệm từ 30 - 40% lượng nước mà còn nâng cao hiệu quả kiểm soát độ ẩm vườn cây và tiết kiệm nhân công.

Nhờ các giải pháp canh tác hợp lý, chất lượng sầu riêng trong vườn của ông luôn giữ ổn định với các tiêu chí mẫu mã đẹp, quả cân đối, cơm vàng, ngọt, không bị sượng, đắng, giá bán tại vườn luôn cao hơn thị trường cùng thời điểm từ 4.000 – 5.000 đồng.

Vườn sầu riêng của ông Võ Tiến Dũng mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Năm 2016, mô hình canh tác của ông Võ Tiến Dũng vinh dự đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến thăm. Thủ tướng đã khen ngợi sự năng động, tích cực của ông Dũng và động viên phải làm sao nhân rộng mô hình sản xuất này đến nhiều bà con hơn nữa, xây dựng thương hiệu cho các loại trái cây đặc sản trong vùng.

Nhiều năm qua, ông Dũng đã tích cực hướng dẫn, tạo điều kiện để nông dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất. Nhiều nông dân đã ứng dụng thành công và từng bước nâng cao thu nhập cho gia đình.

Ông Dũng kỳ vọng trong ít năm tới sẽ xây dựng được mô hình liên kết với các nông dân tại xã để cùng nhau xây dựng vùng sản xuất lớn mạnh hơn, tạo dấu ấn riêng về thương hiệu sầu riêng sạch, chất lượng cao.

Tại buôn Jù, hộ chị Đinh Thị Trang cũng có thu nhập cao nhờ canh tác rau theo hướng hữu cơ. Năm 2017, chị bắt đầu cải tạo vườn cà phê già cỗi sang trồng các loại rau ngắn ngày như bắp cải, đậu bắp, cà tím, xà lách, mồng tơi...

Nhờ tận dụng được nguồn phân hữu cơ và xen canh, gối vụ hợp lý, với diện tích 2.500 m2, chị canh tác được 4 vụ rau với sản lượng bình quân 15 tấn, thu lãi 130 triệu đồng.

Sang năm 2018, chị Trang được Hội Nông dân xã Ea Tu hỗ trợ mô hình tưới phun sương nên mạnh dạn mở rộng gấp đôi diện tích, lợi nhuận cũng dần tăng và ổn định hơn qua từng năm.

Ngoài nguồn thu từ rau củ quả sạch, chị còn tận dụng phụ phẩm để nuôi gà thả vườn và heo rừng lai, cho tổng thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. Từ những thành công của bản thân, chị đã tập hợp các chị em trong xã thành lập Tổ hợp tác rau an toàn Ea Tu để cùng xây dựng vùng sản xuất theo chứng nhận VietGAP.

Vừa thực hiện tốt mô hình của gia đình, chị vừa tích cực hướng dẫn, kiểm tra quy trình canh tác của các thành viên và tìm kiếm đối tác thu mua ổn định, lâu dài cho sản phẩm của tổ.         

Tổ hợp tác rau an toàn Ea Tu giới thiệu các sản phẩm rau sạch tại Hội nghị tổng kết phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi xã Ea Tu giai đoạn 2017 - 2021.

Theo ông Nguyễn Quang An, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Tu, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ. Thông qua các hoạt động tham quan mô hình, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do các ban, ngành chức năng cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức, phần lớn nông dân đã thay đổi tư duy sản xuất truyền thống, ứng dụng các giải pháp sản xuất bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm.

Đáng mừng hơn, thay vì lối canh tác nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, nhiều nông dân đã chủ động tích tụ đất đai và tích cực liên kết sản xuất để cùng nhau làm giàu. Đây chính là những nhân tố quan trọng giúp thúc đẩy hình thành, phát triển các tổ chức kinh tế tập thể của nông dân, tạo nên những sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc thù và có giá trị cao tại địa phương.

Trung bình quân mỗi năm, xã Ea Tu có hơn 300 hộ đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp. Thu nhập bình quân đầu người tại xã năm 2021 đạt 41 triệu đồng/năm, tăng 14 triệu đồng so với năm 2017.

 

Đinh Nga

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.