Multimedia Đọc Báo in

Giải phóng mặt bằng Hồ thủy lợi Ea Tam: Khi lòng dân đã thuận

07:08, 05/11/2021

Được xác định là công trình trọng điểm của tỉnh nói chung, TP. Buôn Ma Thuột nói riêng, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án Hồ thủy lợi Ea Tam đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của các hộ dân vùng dự án.

Dự án Hồ thủy lợi Ea Tam được khởi công xây dựng từ tháng 3-2020, do UBND TP. Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư hơn 1.468 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách địa phương (tỉnh và thành phố). Dự án nhằm bảo đảm điều tiết được trên 1 triệu m3 nước phục vụ tưới cho 50 ha lúa và 200 ha cà phê, cây ăn quả, dự phòng nước sinh hoạt cho khoảng 25.000 người thuộc khu vực TP. Buôn Ma Thuột và các vùng lân cận. Dự án chia làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (2017 - 2020), kinh phí bố trí hơn 1.132 tỷ đồng, giai đoạn 2 (2021 - 2024) kinh phí bố trí trên 336 tỷ đồng.

Thi công hạng mục tràn xả lũ thuộc Dự án Hồ thủy lợi Ea Tam.

Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Buôn Ma Thuột cho biết, Dự án Hồ thủy lợi Ea Tam nằm trên địa bàn phường Tự An và Tân Lập, có 550 hộ dân, với khoảng 46 ha bị ảnh hưởng, trong đó 309 hộ có nhu cầu bố trí đất tái định cư. Tính đến cuối tháng 10-2021, tại phường Tự An, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã ban hành 41 quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ cho 483 hộ, với tổng kinh phí trên 541 tỷ đồng. Đối với phường Tân Lập, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố đã thực hiện công tác kiểm kê được 99/111 thửa đất, hiện đang thu thập giấy tờ pháp lý của các hộ dân và hoàn thiện hồ sơ xác minh nguồn gốc đất, thực trạng lao động nghề nghiệp để lập phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định; còn lại 12 hộ chưa liên hệ được với chủ sử dụng đất.

Là dự án quan trọng, số hộ ảnh hưởng lớn, song với quyết tâm cao của chính quyền địa phương các cấp, ngành chức năng và sự đồng thuận của người dân, công tác GPMB đạt được nhiều kết quả. Đến nay các hộ dân đã bàn giao mặt bằng, với diện tích gần 40 ha cho chủ đầu tư triển khai dự án.

Ghi nhận thực tế cho thấy, sau khi nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, các hộ dân đã tự nguyện tháo dỡ nhà cửa, công trình kiên cố để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Bà Nguyễn Thị Vỵ (tổ dân phố 8, phường Tự An) cho biết, khi hay tin khu vực nơi ở của gia đình thuộc diện thu hồi đất để thực hiện Dự án Hồ thủy lợi Ea Tam, bà và mọi người đều lo lắng vì bị mất đất sản xuất, đất ở. Thế nhưng, khi nghe cán bộ tuyên truyền, giải thích về mục tiêu của dự án, bà cũng thấy phấn khởi và yên tâm hơn. Năm 2020, trên cơ sở phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB, gia đình bà đã đồng thuận, giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án. May mắn hơn các hộ dân khác, gia đình bà còn mấy trăm mét vuông đất được chuyển đổi từ đất sản xuất nông nghiệp sang đất ở nên không phải di dời đến khu tái định cư.

Tương tự, đối với hộ bà Nguyễn Thị Mai Hương (tổ dân phố 8, phường Tự An) cũng cho rằng, việc triển khai Dự án Hồ thủy lợi Ea Tam là chủ trương lớn của tỉnh và thành phố. Công trình hoàn thành sẽ mang lại nhiều lợi ích cho địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó người dân vùng dự án như gia đình bà cũng được hưởng lợi. Khi được địa phương và ngành chức năng thông báo về việc thu hồi đất, bà không tính toán nhiều, lúc có phương án bồi thường, hỗ trợ bà đã thống nhất cao với mức giá. Đầu tháng 3-2021, gia đình bà đã bàn giao 335 m2 đất, tự tháo dỡ nhà cửa để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Hiện tại, bà chỉ còn khoảng 20 m2 nhà ở nên rất chật chội, bà mong chủ đầu tư có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà để bà có nơi tá túc trong thời gian chờ dự án hoàn thành.

Hạng mục tràn xả lũ thuộc Công trình Hồ thủy lợi Ea Tam.

Ông Trương Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Buôn Ma Thuột cho hay, ngoài những thuận lợi, công tác GPMB Dự án Hồ thủy lợi Ea Tam cũng gặp một số khó khăn. Theo quy định tại Quyết định số 27/2019/QĐ-UBND, ngày 19-12-2019 của UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất hạn chế quyền lợi của một số hộ dân. Trong đó, khó khăn nhất hiện nay là bị hạn chế việc bố trí đất tái định cư cho các hộ gia đình có nhiều hộ nhỏ sinh sống trên cùng thửa đất thu hồi. Khó khăn khác nữa là theo Khoản 1 Điều 6 Quyết định này quy định: trường hợp trong hộ gia đình có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất ở bị thu hồi, đủ điều kiện để tách thành những hộ gia đình riêng, ngoài bố trí một thửa đất tái định cư cho hộ chính (hộ bố, mẹ) thì chỉ được giao thêm một thửa đất (có thu tiền sử dụng đất), đồng nghĩa với gia đình có đông con sẽ không có đất ở cho các con khi bị thu hồi đất.

Xác định đây là vấn đề bất cập nên UBND TP. Buôn Ma Thuột đã có kiến nghị với UBND tỉnh về việc sửa đổi nội dung trong Quyết định 27. Mặt khác, có nhiều hộ ở từ thời kỳ trước năm 1993 (trước thời điểm Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực) nhưng chưa được công nhận quyền sử dụng đất ở, trong khi họ đã xây dựng nhà cửa, công trình kiên cố trên đất dẫn tới khó khăn cho công tác bồi thường, hỗ trợ của cơ quan nhà nước.

Kim Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.