Multimedia Đọc Báo in

Hai nền tảng vững bền của các khu đô thị mới

16:03, 27/11/2021

Trong xu hướng phát triển của các thành phố trọng tâm, xây dựng bền vững cộng đồng khu dân cư tại các khu đô thị là yêu cầu cực kỳ thiết yếu. 

Theo các nhà tư vấn chiến lược, hai nền tảng căn cơ cho các khu đô thị ổn định bền vững là hạ tầng xã hội đảm bảo chất lượng và pháp lý dân sinh đầy đủ. Có hai nền tảng này, các khu đô thị mới sẽ thu hút hiệu quả cư dân.

Chốn an cư “phải thuận mắt”!

Ông Vũ Quang Hùng, Bí thư Quận ủy Hải Châu (TP. Đà Nẵng), một kiến trúc sư dày kinh nghiệm, từng là Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng chia sẻ rằng, sự phát triển của các khu đô thị, nhất là những khu đô thị ở lõi các thành thị lớn, chính là hạ tầng xã hội “phải thuận mắt”. Có ba yếu tố cấu thành sự “thuận mắt” ấy là: cảnh quan xanh mát, kiến trúc thẩm mỹ và không gian sống chan hòa.

“Hai yếu tố đầu là cảnh quan xanh mát, gần gũi thiên nhiên và kiến trúc thẩm mỹ thực chất đã là xu hướng được lựa chọn từ lâu của các khu đô thị. Sự hiện diện của các khu đô thị chính là bộ mặt đặc trưng của cả thành phố, nên đương nhiên tiêu chuẩn mẫu thiết kế cảnh quan đô thị là phải đẹp, hiện đại, đảm bảo thẩm mỹ gắn với những thông điệp ý nghĩa tùy địa phương, ví dụ thành phố biển, thành phố hiện đại, thành phố đi đầu về ứng dụng công nghệ... Đồng thời, phong cách “xanh” đang là trào lưu của cả thế giới, các mẫu thiết kế cảnh quan đô thị ngày càng phải đi cùng yếu tố thiên nhiên, cây cỏ, tạo sự hòa thuận giữa thiên nhiên và con người”, ông Hùng phân tích.

Khu tập thể thao công cộng giữa công viên là điểm nhấn tiện ích sức khỏe cần thiết tại các khu đô thị mới. Ảnh: Hoàng Gia

Yếu tố thứ ba, theo ông Hùng là hướng đầu tư quan trọng của các chủ đầu tư, chủ dự án khu đô thị, có sự đồng hành giám sát của chính quyền sở tại. Một khu đô thị có cảnh quan đẹp vẫn chưa đủ, mà phải thật sự tiện ích và gần gũi nhu cầu cư dân. Cần có những không gian thư giãn, giải trí, vui chơi lành mạnh, đặc biệt là văn hóa kiến thức để con người xóa bỏ những căng thẳng từ công việc và hoạt động xã hội hằng ngày. 

Đây là lý do để các khu đô thị mới ngày càng hiện diện những điểm nhấn tiện ích sức khỏe, như khu tập thể thao công cộng giữa công viên, các con đường đi bộ, những tụ điểm bàn ghế ngoài trời nơi công cộng… Các hạng mục văn hóa xã hội như biểu tượng văn hóa, tượng danh nhân gắn liền các công viên chủ đề, nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, các thiết chế giáo dục như nhà trẻ, trường mầm non, thiết chế dân sinh như chợ, siêu thị mini… ngày càng xuất hiện trong thiết kế quy hoạch các khu đô thị.

Đảm bảo pháp lý dân sinh

Theo ông Nguyễn Cửu Loan, thành viên Hiệp hội Đô thị Việt Nam, việc xây dựng các khu đô thị đảm bảo pháp lý dân sinh, hỗ trợ quyền lưu trú, định cư cho người dân là hạng mục thứ hai và rất quan trọng.

Đây là “lỗ hổng” cực kỳ lớn của các khu đô thị mới hình thành hiện nay. Bởi đa phần các chủ đầu tư, khi triển khai xây dựng các khu đô thị, chỉ dừng lại ở xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo đảm các yếu tố “điện đường” là đi vào khai thác. Đến khi người dân vào ở, nhược điểm lớn mới bộc lộ ra, là tính pháp lý xã hội, quan hệ dân sinh tại địa phương bị đứt gãy.

Đã có không ít khu đô thị sau khi đầu tư xong vẫn chưa định vị được là ở chính xác địa bàn hành chính nào, khi bản quy hoạch nằm giữa hai phường. Vì không đặt vấn đề hành chính, tư pháp ngay từ đầu nên khu đô thị bị đặt giữa hai đơn vị hành chính, người dân không biết mình sẽ thuộc cư dân bên phường nào quản lý. Kéo theo đó là hàng loạt vấn đề dân sinh, từ thành lập tổ dân phố, đăng ký địa chỉ nhà ở, làm khai sinh, hộ tịch… mà phải mất rất nhiều thời gian, công sức, người dân mới được xác nhận.

“Nếu khu đô thị nào ngay từ đầu, thiết lập định vị hành chính, quan hệ tư pháp cho người dân, giúp họ có những quyền lợi cơ bản như giấy phép lưu trú, hộ tịch, chắc chắn khu đô thị đó sẽ cuốn hút được người dân vào đăng ký sở hữu nhà đất. Chỉ nói đơn giản về đào tạo giấy phép lái xe cho cư dân đến 18 tuổi, một khu đô thị đảm bảo các cơ sở pháp lý cho cư dân, thì việc hỗ trợ thanh niên học lái xe, có bằng lái… là điều đơn giản. Nhưng nếu bỏ qua điều kiện này, người dân ở các khu đô thị sẽ rất chật vật khi muốn đảm bảo các quyền lợi công dân của mình”, ông Loan nhấn mạnh.

Rõ ràng theo các nhà tư vấn, việc an cư của người dân ở các khu đô thị mới, không thể tách rời và thiếu hai nền tảng thiết chế quan trọng là hạ tầng văn hóa xã hội và pháp lý dân sinh. Thiếu hai nền tảng này, các dự án đô thị hóa sẽ chỉ còn là hình thức bề ngoài, chỉ cung cấp cho người dân một chỗ ở thuần túy, không có các quan hệ hỗ trợ, không có điều kiện sinh hoạt và cả cộng đồng vững chắc để thực sự an cư bền vững.

Buôn Ma Thuột là một thành phố đang tăng trưởng, đang hình thành những khu đô thị mới, hiện đại và đầy đủ hơn, phải chăng cần chú ý ngay đến những yêu cầu này? Nếu việc quy hoạch, đầu tư các khu đô thị ở Đắk Lắk bảo đảm hai nền tảng căn cơ trên sẽ tránh được viễn cảnh giữa một thành phố cao nguyên lại chỉ có những khu nhà ở lạnh lẽo, thiếu sinh khí tự nhiên và thiếu cả những cộng đồng dân cư chan hòa, hạnh phúc!

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.