Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất trong bối cảnh đại dịch
Đại dịch COVID-19 kéo dài ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh. Để hồi phục sản xuất kinh doanh (SXKD) trong trạng thái "bình thường mới", bên cạnh sự nỗ lực của DN rất cần những chính sách hỗ trợ cụ thể của Nhà nước.
Sau đây là trao đổi giữa phóng viên Báo Đắk Lắk với ông HUỲNH VĂN DŨNG, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk.
* Thưa ông, dịch bệnh COVID-19 đã tác động đến hoạt động SXKD của các DN trên địa bàn tỉnh, nhất là những DN vừa và nhỏ như thế nào?
Làn sóng COVID-19 lần thứ tư đã tác động rất lớn đến hoạt động SXKD của các DN. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn cục bộ khiến hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư không thể thông suốt, thị trường tiêu thụ co cụm, sức mua yếu. Nhiều DN đóng cửa không hoạt động, người lao động thiếu việc làm.
Doanh thu của DN giảm, trong đó DN thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ bị ảnh hưởng nhiều nhất, tiếp đến là DN trong ngành công nghiệp và xây dựng.
Tổng số DN đang hoạt động trên đia bàn tỉnh là 10.052 đơn vị. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch COVID-19 nên số doanh nghiệp thành lập mới của tỉnh phát triển chậm lại. Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 780 DN thành lập mới (giảm 37%), tổng vốn đăng ký 13.348 tỷ đồng (giảm 36,23% so với cùng kỳ năm 2020).
* Trước những khó khăn, thách thức do dịch bệnh COVID-19 gây ra, Hiệp hội DN tỉnh đã có những giải pháp cụ thể nào để vừa hỗ trợ DN khôi phục, phát triển nhưng vẫn bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh, thưa ông?
Hiệp hội DN tỉnh đã phát huy vai trò cầu nối, tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của DN về những vấn đề khó khăn, vướng mắc để kiến nghị tới các cấp lãnh đạo tỉnh, bộ ngành Trung ương và Chính phủ, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Hầu hết những ý kiến, kiến nghị của Hiệp hội DN đã được UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét giải quyết và trả lời kịp thời bằng văn bản, hoặc tổ chức gặp mặt trực tiếp với DN.
Bên cạnh đó, Hiệp hội DN tỉnh còn phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh tổ chức chương trình hội thảo trực tuyến “Đêm trước chuyển đổi số" - Những thứ cần cởi bỏ trước hành trình và “Chuyển đổi số thương mại hóa nông sản”. Chủ động mời các DN tham dự nhiều cuộc họp trực tuyến để cập nhật thông tin, tình hình khó khăn về hoạt động SXKD và các giải pháp hỗ trợ DN.
Nhà máy bia Sài Gòn - Đắk Lắk duy trì hoạt động trong bối cảnh dịch COVID-19. |
Theo dự báo dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa có thời gian chính thức "kết thúc", do đó việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số sẽ là hướng đi bắt buộc để các DN có thể tồn tại, phát triển trong bối cảnh hiện nay. Nhiều DN trong tỉnh cũng đã chủ động đổi mới và bước đầu thành công. Về phía Hiệp hội DN tỉnh cũng tích cực thành lập Trung tâm Kết nối chuyển đổi số doanh nghiệp để hỗ trợ các thành viên tiếp cận thị trường, kỹ năng quản lý DN, các chính sách pháp luật mới...
* Ứng phó với đại dịch COVID-19 và hậu quả từ đại dịch là một trong những thách thức lớn nhất cho DN trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ, giải pháp tháo gỡ khó khăn đã thực hiện thời gian qua, theo ông thì cần có giải pháp đột phá gì để hỗ trợ DN phát triển bền vững?
Trong bối cảnh khó khăn này, Hiệp hội DN tỉnh mong muốn chính quyền địa phương quan tâm đẩy nhanh tiến độ tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng COVID-19 cho người lao động. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu nhất trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và duy trì SXKD.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp hỗ trợ vốn thông qua Quỹ phát triển DN vừa và nhỏ để tạo điều kiện cho DN tiếp cận được nguồn lực tài chính cần thiết vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất. Cùng với đó thực hiện các chính sách ưu đãi hấp dẫn kích cầu tiêu dùng và đầu tư. Các chính sách và giải pháp này cần thực hiện kịp thời, đúng thời điểm vì chính sách thực hiện muộn không phát huy tác dụng.
Như Quỳnh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc