Multimedia Đọc Báo in

Nông dân dè dặt trồng hoa Tết

06:31, 09/11/2021

Lo ngại tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều nông dân trồng hoa trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột dè dặt xuống giống, giảm mạnh số lượng các loại hoa phục vụ dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Theo khảo sát tại một số vùng trồng hoa trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột như phường Khánh Xuân, Thành Nhất, Tân Tiến, xã Ea Tu…, năm nay, việc xuống giống trồng hoa phục vụ Tết giảm nhiều so với các năm trước. Nguyên nhân chính là do các hộ trồng hoa lo ngại tình hình dịch COVID-19 chưa được kiểm soát, kinh tế khó khăn nên thị trường hoa Tết sẽ ế ẩm.

Từ nhiều năm nay, nghề trồng hoa là công việc mang lại thu nhập chính cho gia đình anh Đỗ Tất Luyện (khối 4, phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột), đặc biệt là vụ hoa Tết. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh như năm nay, anh không dám mạo hiểm đầu tư số vốn lớn cho vụ hoa Tết, thậm chí còn giảm 50% so với những năm trước, chỉ dám trồng 1.000 chậu hoa cúc. Ngoài ra, dịch bệnh khiến cho giá cây giống, phân bón tăng lên 20 - 30%, buộc anh phải tính toán kỹ lưỡng để tránh thua lỗ. Anh Luyện cho hay, giảm số lượng chậu trồng đồng nghĩa với giảm thu nhập. Tuy nhiên, lúc xuống giống, mỗi chậu anh phải bỏ ra hơn 100 nghìn đồng chi phí, tức cả vườn hoa phải đầu tư khoảng 100 triệu đồng nên vẫn phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng chấp nhận đánh cược với may rủi, tính trước khả năng xấu nhất là mất trắng, thua lỗ.

Chị Lê Thị Cúc (khối 6, phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) chăm sóc hoa để bán trong dịp Tết sắp tới.

Tương tự, nhằm lường trước những rủi ro do dịch bệnh bùng phát mạnh, sức mua giảm nên năm nay chị Lê Thị Cúc (khối 6, phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) chỉ đầu tư trồng khoảng 400 chậu cúc, giảm 60% so với mọi năm.

Chị Cúc chia sẻ, việc trồng cúc đặc biệt khó khăn, tốn nhiều công sức tỉa cành, cắm cọc giữ thế cây..., còn việc hái nụ hoa phải thuê nhân công. Vì vậy, vào thời điểm đầu mùa xuống vụ, chị thấp thỏm suy nghĩ mấy đêm ròng, gọi điện hỏi tất cả các mối sỉ của mình để ước chừng số lượng hoa bán ra trước. Tuy nhiên, nhiều mối sỉ của chị ở tỉnh Đắk Nông và các huyện trên địa bàn tỉnh đều từ chối, có chăng họ chỉ dám đặt với số lượng hạn chế.

Còn đối với hộ ông Trần Văn Chiểu (khối 4, phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) vừa mới vào nghề trồng hoa được 2 - 3 năm nay. Vì kinh nghiệm chưa có và không quen nhiều thương lái (mối sỉ) nên năm nay chỉ xuống giống bằng ¼ so với năm trước để bán lẻ ra thị trường. Ông cho biết, hoa là loại hàng hóa không dễ tiêu thụ. Vì vậy, không chỉ riêng những người mới vào nghề như ông mà nhiều nhà vườn trồng hoa lâu năm khác cũng đều chung tâm lý lo ngại, không dám bỏ vốn đầu tư nhiều vì nỗi lo dịch bệnh bùng phát không thể tiêu thụ.

Ông Trần Văn Chiểu (khối 4, phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) đang chăm sóc các chậu hoa.

Ông Huỳnh Văn Bộ, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Buôn Ma Thuột cho biết, những năm trước, nông dân các địa phương rầm rộ xuống giống hoa phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Còn năm nay, đến thời điểm hiện tại, nông dân trồng hoa chỉ trồng cầm chừng vì lo ngại đầu ra. Dự báo năm nay, sức tiêu thụ hoa Tết trong tỉnh, mà chủ yếu khu vực TP. Buôn Ma Thuột không biến động nhiều, còn đối với thị trường ở tỉnh ngoài sẽ bị tác động mạnh, vì vậy hầu hết nông dân xuống giống đều trong tâm trạng “vừa làm vừa lo”. Do đó, diện tích trồng hoa phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 giảm là điều dễ hiểu.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.