Multimedia Đọc Báo in

Khởi nghiệp từ đam mê

07:00, 29/11/2021

Không chỉ tận hưởng niềm đam mê của mình, nhiều thanh niên người dân tộc thiểu số ở xã Ea M'nang (huyện Cư M’gar) còn năng động, sáng tạo khởi nghiệp, làm giàu từ chính đam mê, sở thích ấy.

Thu nhập hàng trăm triệu đồng từ làm sáo trúc

Đam mê thổi sáo trúc và mong muốn có những cây sáo trúc hay, anh Đàm Đình Hiếu (dân tộc Tày, ở thôn Bình Hòa) đã mày mò học cách làm sáo. Những cây sáo trúc làm hoàn chỉnh thường được anh Hiếu chia sẻ trên các nhóm, hội cùng đam mê sáo trúc trên mạng xã hội Facebook. Những bài đăng tải của anh thu hút nhiều người yêu sáo trúc quan tâm, bình luận, có cả đề nghị anh bán những cây sáo của mình. Điều này giúp anh nhận thấy tiềm năng kinh doanh từ việc sản xuất sáo trúc.

Anh Đàm Đình Hiếu lựa chọn các ống phôi sáo.

Năm 2015 anh Hiếu bắt đầu làm sáo trúc để cung cấp cho thị trường. Làm sáo trải qua nhiều công đoạn phức tạp, từ việc chọn cây trúc, cắt thành từng ống phôi thô, chọn ống phôi chuẩn, phơi khô các ống phôi (mất khoảng 2 tuần) rồi tiến hành xử lý uốn cho thẳng ống phôi, đánh bóng, khoét, chỉnh lỗ sáo… Anh Hiếu chịu khó học hỏi, tìm hiểu quy trình sản xuất rồi dần dần hoàn thiện kỹ năng làm sáo trúc. Những cây sáo do anh làm ra ngày càng đạt chất lượng với nhiều mẫu mã, kích thước, giá thành phù hợp, được người dùng ưa chuộng. Anh tận dụng, khai thác tối đa các trang mạng xã hội Facebook, Zalo để quảng bá, giới thiệu, tư vấn sản phẩm sáo trúc đến với người tiêu dùng.

Đến nay, cơ sở của anh Hiếu vừa cung cấp ống phôi thô cho các đơn vị sản xuất, vừa cung cấp sản phẩm sáo trúc hoàn chỉnh cho người tiêu dùng. Hiện anh có lượng đơn đặt hàng ổn định ở khắp các tỉnh thành trong cả nước với mỗi tháng trên 1.000 ống phôi thô và các cây sáo trúc hoàn chỉnh. Giá bán tùy vào mẫu mã, kích thước, số lượng của đơn đặt hàng, dao động từ vài chục nghìn đồng đến 3 triệu đồng một ống phôi thô hay một cây sáo trúc. Việc sản xuất sáo mang lại cho anh nguồn thu nhập ổn định mỗi năm gần 250 triệu đồng (sau khi trừ hết chi phí đầu tư); cơ sở của anh còn tạo việc làm theo thời vụ cho 4 - 5 thanh niên địa phương.

Khởi nghiệp từ nuôi gà rừng

Anh Hoàng Văn Nam (dân tộc Nùng, ở thôn 6) vốn mê đam mê nuôi gà cảnh. Từ sở thích này, anh phát triển nghề chăn nuôi gà để kinh doanh. Anh nuôi nhiều loại gà khác nhau nhưng rồi quyết định nuôi gà rừng bởi nhận thấy giống gà này dễ nuôi, ít bị dịch bệnh, lại được người tiêu dùng ưa chuộng.

Anh Hoàng Văn Nam chăm sóc đàn gà.

Việc nuôi gà rừng được anh chia sẻ thường xuyên lên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo và dần dần được nhiều người biết đến, trong đó có người hỏi mua giống gà rừng. Nhận thấy đây là cơ hội kinh doanh giống gà rừng nên anh Nam đã đầu tư gây dựng, nhân đàn và hiện nay đàn gà rừng của anh đã phát triển được hơn 100 con. Giống gà rừng anh nuôi được mua ở bên ngoài và đi bẫy từ rừng về rồi nuôi thuần hóa dần. Gà rừng được anh Nam nuôi theo hình thức nuôi thả và chỉ nhốt riêng từng cặp khi vào mùa sinh sản.

Anh Nam chia sẻ: “Gà rừng có sức đề kháng tốt, không mắc các loại bệnh, gà con thì chỉ cần bổ sung thêm các loại vitamin để có sức đề kháng. Thức ăn chủ yếu là ngô, lúa. Gà nuôi từ 8 - 10 tháng là có thể cho xuất chuồng hoặc giữ lại phối giống sinh sản với trọng lượng đạt khoảng 1 kg và được bán theo cặp với giá dao động từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng. Một năm gà đẻ 3 lứa trứng, mỗi lứa từ 8 - 10 trứng”. Từ đầu năm 2021 đến nay, anh Nam đã bán trên 20 cặp gà rừng, thu về trên 20 triệu đồng.

Cùng với việc chăn nuôi gà rừng, anh Nam còn tranh thủ chăm sóc 3 sào cà phê xen hồ tiêu và đi làm thuê thêm ở bên ngoài mỗi khi rảnh rỗi. Hiện nay tổng thu nhập (đã trừ chi phí đầu tư) của gia đình anh Nam hằng năm đạt trên 100 triệu đồng. Anh Nam mong muốn thời gian tới sẽ được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi từ tổ chức Đoàn để mở rộng quy mô chăn nuôi gà rừng, tăng thêm thu nhập cho gia đình.

H’Xiu Êban


Ý kiến bạn đọc