Multimedia Đọc Báo in

Kỳ vọng tạo “cú hích” cho du lịch từ thị trường nội địa

08:11, 24/11/2021

Tận dụng thế mạnh vốn có và lựa chọn thị trường du lịch nội địa để khai thác, tạo điều kiện để người dân đi du lịch trong tỉnh và người dân từ các địa phương khác đến Đắk Lắk, ngành du lịch kỳ vọng sẽ tạo được "cú hích" để đưa du lịch phục hồi và phát triển sau đại dịch.

Sau nhiều thời gian tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành du lịch của tỉnh đang trở mình khôi phục kinh doanh dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và người dân; đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Đây sẽ là cơ hội để ngành du lịch triển khai các biện pháp kích cầu nhằm phục hồi du lịch theo hướng thích ứng an toàn, phát triển bền vững.

Du khách trải nghiệm đi thuyền độc mộc trên hồ Lắk (ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát).

Nhận định về những xu hướng mới sau dịch COVID-19, nhiều chuyên gia cho rằng du lịch theo đoàn sẽ bị hạn chế thay vào đó là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch bền vững… sẽ thu hút khách. Bởi cảm giác được hòa mình với thiên nhiên, trải nghiệm, sự gắn kết với người dân tại chỗ sẽ khiến du khách thích thú. Đặc biệt là hình thức du lịch này hướng đến sự bền vững trong tương lai, giữ gìn môi trường, nó mang đến sự “có ích” khi thế giới đang chìm trong đại dịch.

Ngoài ra, do tâm lý “sợ dịch bệnh” nên nhiều du khách cũng sẽ chọn những địa điểm gần, chọn tour ngắn ngày để tạo cảm giác an toàn, gần gũi. Cùng với đó, thị trường khách quốc tế bị giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19  thì việc điều chỉnh thị trường mục tiêu hướng đến phân đoạn khách du lịch nội địa trong ngắn hạn là cần thiết, đó sẽ là giải pháp cho việc duy trì và hồi phục hoạt động kinh doanh du lịch trong tình hình này.

Theo đó, du lịch Đắk Lắk cũng đã và đang hướng đến phân khúc thị trường này và kỳ vọng nó sẽ là "cú hích", tạo đà để ngành du lịch tỉnh nhà có thể phục hồi sau thời gian bị ảnh hưởng quá nặng nề. Theo ông Lê Văn Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk, Đắk Lắk có lợi thế về nguồn tài nguyên du lịch phong phú như văn hóa truyền thống các dân tộc, ẩm thực hấp dẫn, nhiều di tích, danh lam thắng cảnh... nên thu hút khá nhiều du khách ở nhiều lứa tuổi, vùng miền.

Đơn cử những du khách độ tuổi trung niên trở lên thường xuyên chọn Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung là điểm đến vì lợi thế về khí hậu ôn hòa, ẩm thực độc đáo. Các bạn trẻ lại thích trải nghiệm những kiểu du lịch khám phá, hòa mình với thiên nhiên ở những điểm có thác, núi đồi, cùng 25 khu, điểm tham quan du lịch hấp dẫn.

Trong 9 tháng năm 2021, Bảo tàng Đắk Lắk đã đón tiếp và phục vụ 1.761 đoàn với 34.859 lượt khách tham quan, chủ yếu là khách trong nước. Điều này cho thấy, Đắk Lắk vẫn luôn có sức hút với du khách, nhất là khách trong nước. Nhiều du khách cho biết vẫn thường cập nhật tình hình của các tỉnh khu vực Tây Nguyên để chọn một chuyến du lịch phù hợp cho cá nhân, hướng tới các homestay với dịch vụ trải nghiệm các sản phẩm tại chỗ.

Dệt vải - nghề truyền thống của đồng bào Êđê được du khách tìm hiểu, trải nghiệm.

Tuy nhiên, để có thể đẩy mạnh hoạt động du lịch nội địa, hướng tới phân khúc khách hàng trong và ngoài tỉnh, đòi hỏi ngành du lịch và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cần có sự phối hợp và nhanh chóng triển khai các chương trình kích cầu du lịch và đảm bảo an toàn trong tình hình dịch bệnh.

Được biết, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lên kế hoạch phục hồi du lịch Đắk Lắk trong khoảng thời gian cuối năm 2021 và đầu năm 2022 với những biện pháp cụ thể như hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nhằm giúp các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn phục hồi và duy trì hoạt động kinh doanh trong tình hình mới; hướng dẫn doanh nghiệp điều chỉnh lại các hoạt động, nghiên cứu nhu cầu thị trường để có những sản phẩm du lịch phù hợp có chất lượng…

Riêng đối với các đơn vị kinh doanh du lịch nói chung nên có sự liên kết, cùng chia sẻ khó khăn để có thể duy trì hoạt động kinh doanh. Việc phối hợp trong công tác quảng bá, đi kèm với chính sách giảm giá, tạo sản phẩm mới và nâng cao chất lượng sản phẩm… sẽ tạo sức hút với du khách.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.