Multimedia Đọc Báo in

Tìm giải pháp bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi

06:42, 23/11/2021

Tình trạng hư hỏng, xuống cấp và vi phạm hành lang làm mất an toàn hồ đập tại Đắk Lắk đang rất báo động. Tuy nhiên, để nâng cấp, sửa chữa cũng như giải quyết các vấn đề liên quan đến an toàn hồ đập thì cần các giải pháp đồng bộ.

Nỗ lực nâng cao tính an toàn cho các hồ chứa

Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 785 công trình thủy lợi, gồm: 118 đập dâng, 57 trạm bơm và 610 hồ chứa nước, với tổng dung tích hồ chứa khoảng trên 650 triệu m3.

Trong những năm gần đây, Đắk Lắk chịu ảnh hưởng của nhiều trận mưa lũ, trong khi hầu hết các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đều được xây dựng từ rất lâu nên nhiều hạng mục đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng, gây mất an toàn. Do đó, việc bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi được địa phương quan tâm.

Hằng năm, Chi cục Thủy lợi đều thành lập các đoàn công tác tiến hành kiểm tra, đánh giá, từ đó thống kê, báo cáo và đề nghị tỉnh bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh, ngân sách các dự án để tu bổ, nâng cấp.

Tường trái tràn xả lũ của công trình hồ chứa nước Phù Mỹ (huyện Ea H'leo) bị sập đã được gia cố lại tạm thời.

Theo Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, đơn vị được giao quản lý, khai thác 340 công trình, trong đó có 247 hồ chứa, trong quá trình vận hành luôn chú trọng đến việc bảo đảm an toàn công trình; thường xuyên kiểm tra, theo dõi, quan trắc công trình bằng các thiết bị đã được lắp đặt hoặc bằng trực quan. Từ đó, kịp thời phát hiện ra những mối nguy hại đến công trình nhằm có giải pháp khắc phục kịp thời để công trình được vận hành ở trạng thái bình thường. Ngoài ra, công ty cùng với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra vùng hạ du các hồ chứa, chuẩn bị phương án phòng, chống lũ, lụt, cảnh báo sớm cho nhân dân để sẵn sàng ứng phó khi xả lũ hoặc khi có tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Mặt khác, đối với các công trình đang có những dấu hiệu hư hỏng nhẹ, công ty ưu tiên bố trí nguồn bảo trì hằng năm để khắc phục, sửa chữa nhằm bảo đảm an toàn. Đối với các công trình đầu mối hiện đang có tràn xả lũ là tràn tự do bằng đất, các công trình mất an toàn cao cần phải có nguồn kinh phí lớn để thực hiện kiên cố hóa, nâng cấp, sửa chữa vượt ngoài khả năng, công ty đã đề nghị Sở NN-PTNT tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí.

Vẫn còn nhiều nỗi lo

Chi cục Thủy lợi cho biết, theo kết quả rà soát năm 2021, số lượng đập, hồ chứa hư hỏng cần nâng cấp, sửa chữa để bảo đảm an toàn là 62 đập, hồ chứa. Trong đó có nhiều hồ chứa mất an toàn rất cao. Đơn cử như hồ chứa nước Phù Mỹ (xã Cư Mốt, huyện Ea H'leo), dung tích 174.000 m3, có nhiệm vụ tích nước tưới cho 100 ha cà phê, phân loại là hồ chứa nước có quy mô vừa (theo chiều cao đập). Đây là công trình được xây dựng từ những thập niên trước, có kết cấu đập đất, hiện các công trình đầu mối đã bị hư hỏng nặng, như: mái thượng lưu đập có nhiều vết xói lở vào thân đập gây biến dạng mặt cắt, mái hạ lưu đập xuất hiện nhiều dòng thấm có lưu lượng thấm lớn; tường trái tràn xả lũ bị sập… Sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của tràn xả lũ hiện đang đe dọa đến an toàn của công trình.

Công trình hồ Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) đang được gia cố thân đập.

Nằm trong nhóm có nguy cơ cao về mất an toàn hồ đập, hồ chứa Đắk Liêng Krai (xã Krông Nô, huyện Lắk) có dung tích 84.000 m3, phục vụ tưới cho gần 7 ha lúa và trên 24 ha cà phê. Vào tháng 11-2020, do ảnh hưởng của các đợt mưa bão đã làm sập hoàn toàn đoạn bản đáy bằng bê tông của kênh xả bể tiêu năng và gây xói lở nghiêm trọng đoạn kênh nối tiếp bằng đất, làm cản trở dòng chảy.

Theo Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, hai công trình nêu trên nằm trong nhóm 6 công trình mất an toàn cao cần sửa chữa cấp bách trong năm 2021. Tuy nhiên, việc sửa chữa, nâng cấp để bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du còn gặp khá nhiều khó khăn không những về kinh phí mà còn các vấn đề liên quan đến vấn đề đền bù giải phòng mặt bằng mà cụ thể nhất là công trình hồ chứa nước Phù Mỹ.

Năm 2009, UBND tỉnh đã bố trí kinh phí để UBND huyện Ea H'leo thực hiện nâng cấp, sửa chữa công trình hồ chứa nước Phù Mỹ. Tuy nhiên, khi triển khai thi công bị người dân cản trở, không tiến hành thi công được vì lý do chưa giải quyết khiếu nại của người dân trong việc đền bù diện tích lòng hồ. Đến tháng 8/2018, công trình này xảy ra sự cố là tường trái tràn xả lũ bị sập, nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn của đập đất.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Ea H'leo cùng sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng thì công trình mới được khắc phục tạm thời sự cố tràn xả lũ để tháo lũ kịp thời. Từ đó đến nay, công trình chỉ duy trì mực nước hồ ở cao trình thấp để bảo đảm an toàn. Hiện tại UBND huyện Ea H’leo vẫn chưa giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng nên việc nâng cấp, sửa chữa không thực hiện được, dẫn đến nguy cơ mất an toàn đập rất cao và việc tích nước để phục vụ sản xuất trong mùa khô cũng không thực hiện được.

Theo Chi cục Thủy lợi, kinh phí đề xuất để nâng cấp, sửa chữa 62 đập, hồ chứa bị hư hỏng là gần 361 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay tỉnh vẫn chưa có kế hoạch để thực hiện. Nguồn ngân sách của tỉnh khó khăn, việc đầu tư kinh phí để sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng rất hạn chế và không kịp thời. Để bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi cũng như khu dân cư và công trình cơ sở hạ tầng khác ở phía hạ du, đồng thời nhằm đáp ứng nguồn nước phục vụ nhu cầu sản xuất của nhân dân trong tỉnh, Chi cục tham mưu tỉnh đề nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí cho tỉnh Đắk Lắk sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa trong các năm tiếp theo.

Theo Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, trong những năm gần đây, công ty được Trung ương và tỉnh đầu tư 70 tỷ đồng để khắc phục các hạng mục công trình mất an toàn, hiện đã làm được 23 hạng mục và đang đề xuất thêm 4 hạng mục. Tuy nhiên, vẫn còn một số công trình bị hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, cần nguồn kinh phí lớn.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.