Multimedia Đọc Báo in

Linh hoạt các giải pháp thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”

07:38, 26/11/2021

Từ đầu năm 2021 đến nay, huyện Krông Búk đã linh hoạt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ giữa tháng 7/2021, huyện Krông Búk ghi nhận những ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên trong cộng đồng, sau đó là hàng loạt ca khác với diễn biến phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội cũng như việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương.

Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, cơ quan chức năng của huyện đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả để từng bước kiềm chế, đẩy lùi sự bùng phát của dịch bệnh, đạt mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Ngay từ đầu năm, Phòng NN-PTNT huyện Krông Búk đã tham mưu xây dựng phương án sản xuất năm, ban hành văn bản hướng dẫn các xã tuyên truyền người dân gieo trồng theo đúng thời vụ và cơ cấu giống; chủ động phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến khâu thu hoạch, tiêu thụ nông sản và tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại.

Chính vì vậy, huyện đã khuyến khích các hộ sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản và hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đẩy mạnh quảng bá, bán sản phẩm thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo. Ngoài ra, việc tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cũng được thay đổi sang hình thức phát tờ rơi, tuyên truyền trên loa truyền thanh cơ sở để phù hợp với tình hình dịch bệnh...

Sản xuất phân bón tại Công ty Cổ phần Đại Nam (cụm công nghiệp Krông Búk 1, xã Pơng Drang, huyện Krông Búk) .

Trong hai tháng 8 và 9 vừa qua, xã Cư Né là “điểm nóng” về dịch COVID-19 với hàng loạt ca nhiễm SARS-CoV-2 cộng đồng. Địa phương phải áp dụng biện pháp phong tỏa 15 buôn và cách ly toàn xã theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Chủ tịch UBND xã Cư Né Lục Duy Phương, thời gian này cũng là cao điểm mùa thu hoạch sầu riêng, trong khi mọi hoạt động đi lại, sản xuất của nhân dân đều phải tạm dừng. T

rước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng đoàn viên thanh niên, chiến sĩ công an tăng cường giúp người dân chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Mặt khác, phối hợp với các ngành chức năng địa phương tìm đầu ra tiêu thụ sầu riêng. Những cách làm đó đã giúp địa phương đảm bảo được nhiệm vụ sản xuất, chăn nuôi đúng thời vụ, kế hoạch và người dân cũng yên tâm cách ly, điều trị bệnh.

Cùng với tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an sinh xã hội, Đảng ủy, UBND xã Pơng Drang còn phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện kiểm tra, sửa chữa các công trình thủy lợi, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho sản xuất. Đồng thời, thực hiện tốt việc số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính; thường xuyên nắm tâm tư, nguyện vọng của các hộ kinh doanh, hợp tác xã để kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc... Đến nay, đa số các doanh nghiệp thương mại - dịch vụ trên địa bàn đã hoạt động trở lại, vừa chấp hành nghiêm túc quy định phòng, chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh.

Nhân viên y tế lấy mẫu test COVID-19 tại xã Pơng Drang (huyện Krông Búk).

Với sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, đến nay, huyện Krông Búk đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cơ bản đạt được những kết quả khả quan. Trong 10 tháng năm 2021, tổng thu ngân sách trên địa bàn được 61,896 tỷ đồng (đạt 120,77% kế hoạch tỉnh giao); tổng giá trị sản xuất đạt 2.989 tỷ đồng (tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2020); sản xuất nông nghiệp được triển khai đảm bảo theo kế hoạch; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 649 tỷ đồng. Về chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn huyện có 120/133 tiêu chí đạt và cơ bản đạt (tăng 5 tiêu chí so với năm trước); bình quân 17,14 tiêu chí/xã...       

 Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Krông Búk Ayun H’Hương cho biết, để thích ứng an toàn, linh hoạt trong trạng thái "bình thường mới", thời gian tới, huyện Krông Búk sẽ tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời quan tâm thực hiện các chế độ chính sách, an sinh xã hội; chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch năm 2021; thực hiện hiệu quả nghị quyết đại hội đảng các cấp với những giải pháp cụ thể, phù hợp…

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.