Multimedia Đọc Báo in

Quản lý tốt các mô hình VietGAP để phát triển bền vững

06:44, 03/11/2021

Sau gần 5 năm thực hiện chủ trương hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP trong nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh (theo Quyết định 08/2017/QĐ-UBND, ngày 28-2-2017), đến nay đã có nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi được triển khai và cấp chứng nhận VietGAP.

Riêng TP. Buôn Ma Thuột đến nay đã cấp chứng nhận VietGAP cho 30,4 ha rau quả và 230 ha cây ăn quả các loại (sầu riêng, bơ, ổi, mít, quýt, bưởi, xoài) ở các đơn vị có diện tích cây trồng tập trung như các xã Hòa Phú, Hòa Thuận, Ea Tu, Hòa Thắng…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngoài một số mô hình sản xuất trong nhà màng, ứng dụng công nghệ thông minh vẫn duy trì quy trình sản xuất nghiêm ngặt, năng suất và chất lượng sản phẩm ổn định thì một số mô hình rau sản xuất ngoài tự nhiên, trong nhà lưới đơn giản, đã được cấp chứng nhận VietGAP cách đây nhiều năm, qua nhiều lần tái cấp đã có sự chểnh mảng trong tuân thủ các tiêu chí và quy trình sản xuất.

Đơn cử như tại một số hộ sản xuất thuộc Hợp tác xã (HTX) sản xuất rau Thuận Hòa, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột. Từ năm 2012, sau khi được Dự án cạnh tranh nông nghiệp hỗ trợ một số nhà màng và hệ thống tưới phun mưa tại HTX, quá trình nhân rộng mô hình rất tốt. Trong các năm 2014 - 2016 có đến 80% diện tích rau được sản xuất trong nhà lưới đơn giản và có hệ thống tưới phun mưa; người sản xuất tuân thủ quy trình sản xuất rau theo chứng nhận VietGAP rất tốt.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi thị trường còn dễ dãi trong việc phân định sản phẩm rau an toàn và không an toàn, cùng với việc gặp khó khăn khi đưa các sản phẩm rau an toàn vào các siêu thị, trường học, bếp ăn tập thể…, nhiều hộ sản xuất đã lơ là trong việc tuân thủ các tiêu chí, quy trình sản xuất VietGAP, cho dù các cơ quan chức năng, chuyên môn thường xuyên quan tâm, tổ chức tập huấn, đôn đốc, nhắc nhở. Theo đó, diện tích rau sản xuất trong nhà lưới đơn giản giảm dần (trừ nhà màng công nghệ cao).

Mô hình công nghệ cao sản xuất các giống rau tại phường Tân Hòa.

Từ những thực tế nêu trên, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần chú trọng quản lý tốt các mô hình VietGAP, làm sao để các mô hình này duy trì ổn định và ngày càng nâng cao về chất lượng. Để làm được như vậy, cần tiếp tục hỗ trợ nông dân đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt. Tập trung đầu tư chuyên canh các sản phẩm VietGAP chủ lực, dần đi đến tạo ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng trên cơ sở đồng nhất về giống và công nghệ sản xuất.

“Giải pháp về nâng cao chất lượng” phải được đặt lên hàng đầu. Theo đó các cơ quan, đơn vị liên quan cần đồng hành với nông dân trong việc sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm đã được cấp chứng nhận, đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy trình đã đưa ra; tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc phát triển công nghệ chế biến sau thu hoạch. Hỗ trợ bước đầu đối với các doanh nghiệp, HTX trong liên kết sản xuất, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các vùng, các loại cây trồng đã được cấp chứng nhận để phát triển và nhân rộng mô hình VietGAP trong giai đoạn tới.

Tăng cường công tác thanh, kiểm tra trong việc chấp hành các quy định trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp nhằm giúp người sản xuất yên tâm về yếu tố đầu vào, đáp ứng nhu cầu phát triển của cây trồng. Giám sát chặt chẽ các mô hình khảo nghiệm, thí điểm, quảng cáo sản phẩm... tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng để bán sản phẩm chưa có trong danh mục.

Quan tâm quảng bá, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì nhãn mác và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, cần phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm VietGAP của địa phương đến các tỉnh thành trong nước và ngoài nước. Hỗ trợ nhân dân kết nối với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ từng bước hình thành chuỗi cung ứng khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Gắn kết việc giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm đặc sản với tham quan, du lịch sinh thái nông thôn.

Mô hình thanh long Cư Êbur đã được cấp Chứng nhận VietGAP.

Triển khai kịp thời và thực hiện tốt các cơ chế chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh về hỗ trợ đăng ký, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm nông sản. Định kỳ tổ chức đánh giá hiệu quả của mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận VietGAP để có giải pháp và định hướng nhân rộng, phát triển các sản phẩm chủ lực giá trị tại địa phương.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.