Multimedia Đọc Báo in

Sức sống mới nơi vùng đất mới (Kỳ 1)

06:44, 03/11/2021

Sau rất nhiều nỗ lực, quyết tâm, chỉ đạo sát sao cùng bao mồ hôi, công sức đổ xuống, vùng đất hoang vu, cằn cỗi tại Khu tái định cư số 1 (xã Cư Elang, huyện Ea Kar) đã thành cánh đồng lúa trĩu bông và một khu dân cư nhộn nhịp. Sức sống hiện hữu đã “gieo” mầm xanh hy vọng cho những người có nhân duyên với mảnh đất xa xôi này.

Kỳ 1: An cư ở làng quê mới

An cư để an dân, lập nghiệp, chung tay xây dựng quê hương mới là mục tiêu hướng đến trong triển khai thực hiện Khu tái định cư số 1 thuộc Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng. Một làng quê mới đã được hình thành nơi đây.

Dáng dấp làng quê giữa đại ngàn

Cùng đi trên con đường trải bê tông rộng rãi, bằng phẳng, chạy ô bàn cờ trong khu dân cư, Trưởng thôn lâm thời thôn Yang San Hoàng Văn Đội vui mừng: “Lúc mới chuyển đến tái định cư, mọi thứ ngổn ngang, bừa bộn, ai cũng lo lắng, băn khoăn. Sau một thời gian, đến nay dáng dấp một làng quê mới giữa bốn bề rừng núi thăm thẳm đã được hình thành với đầy đủ điện, đường, trường, trạm, nước sạch, sân bóng đá mini... thắp lên nhiều hy vọng cho người dân”.

Mùa vàng nơi Khu tái định cư số 1 (xã Cư Elang, huyện Ea Kar).

Vợ chồng ông Vàng Seo Cha (dân tộc H'mông) là một trong những hộ đầu tiên ở thôn 10 (xã Cư San, huyện M’Drắk) chuyển đến tái định cư tại đây. Năm nay cả ông bà đều đã trên 80 tuổi nên chỉ quanh quẩn ở nhà trông cháu, còn mảnh ruộng được cấp thì cho con làm rồi lấy một phần lúa về ăn. Hỏi thăm tình hình cuộc sống ở vùng đất mới, ông Cha vui vẻ cho hay, ở thôn cũ gần 20 năm, mọi thứ đã quen, mình lại lớn tuổi, chuyển đi cũng ngại. Nhưng được cán bộ vận động, mình là người cao tuổi nên đi trước để làm gương cho bà con, tất cả cũng vì mục đích chung. Sang đây được chính quyền địa phương giúp đỡ tận tình, dựng nhà cửa, kéo điện, nước sạch về tận nơi, ai cũng vui mừng. Đường sá sạch sẽ, không bị lầy lội, trơn trượt như bên thôn cũ.

Sau khi ông Cha đi trước “mở đường”, 4 người con của ông cũng lần lượt dỡ nhà ở xã Cư San để chuyển đến khu tái định cư. Gia đình chị Ma Thị Dợ (con dâu ông Cha) đang thuê thêm người dựng lại ngôi nhà trên vùng đất mới cho kịp đón Tết. Chỉ về phía ngôi nhà gỗ bề thế, to và đẹp nhất thôn đang dần hoàn thiện, chị Dợ bày tỏ: “Lúc đầu vợ chồng tôi cũng chần chừ, không muốn chuyển đi vì nhiều lý do. Nhưng sau nhiều lần sang thăm nơi mới, thấy mọi thứ cũng đủ đầy, con cái đi học thuận tiện, cán bộ rất quan tâm, hỗ trợ nên quyết định chuyển đi".

Nổi bật giữa những ngôi nhà được xây dựng theo kiểu truyền thống của người dân tộc thiểu số phía Bắc là căn nhà xây hiện đại, khang trang của gia đình chị Vy Thị Hẻo (dân tộc Nùng). Chuyển từ thôn 15 (xã Cư Yang, huyện Ea Kar) qua định cư tại đây từ đầu năm 2020, gia đình chị đã đón một năm mới nơi vùng đất tái định cư với đầy đủ hương vị truyền thống của ngày Tết. Năm nay, lúa lại đầy sân, chị Hẻo phấn khởi: “Ở đây đường sá sạch sẽ, điện, nước đầy đủ, ruộng cũng gần nhà thuận tiện lắm. Nhà cửa cũng đâu vào đấy rồi, giờ chỉ lo làm nuôi con ăn học”.

Chung tay xây dựng quê hương mới

Đến giữa tháng 10-2021, tại Khu tái định cư số 1, xã Cư Elang đã có 168 hộ chuyển đến, gồm 21 hộ, 69 khẩu của thôn 15 (xã Cư Yang) và 147 hộ, 708 khẩu thuộc thôn 9, 10, 11 (xã Cư San). Để hỗ trợ người dân an cư tại nơi ở mới, các UBND huyện Ea Kar, M’Drắk, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh và các lực lượng chức năng, đơn vị liên quan đã hỗ trợ các hộ bốc xếp, vận chuyển đồ đạc, dựng nhà, kéo điện, nước sinh hoạt, bảo đảm nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Ngành giáo dục địa phương và UBND xã Cư Elang cũng đã chỉ đạo các trường tạo mọi điều kiện đón nhận học sinh của các gia đình tái định cư vào học tập tại nơi ở mới.

<br>
Cuộc sống mới tại thôn Yang San (Khu tái định cư số 1, xã Cư Elang, huyện Ea Kar).
 
 
“Dẫu biết còn nhiều khó khăn, lo toan nơi vùng đất mới nhưng với sự quan tâm, hỗ trợ về mọi mặt của địa phương, bà con sẽ bám trụ để xây dựng cuộc sống và lập nghiệp trên quê hương mới”.
 
 Trưởng thôn lâm thời thôn Yang San Hoàng Văn Đội

Cùng với sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt, phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền và các đơn vị liên quan, mới đây HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết thành lập thôn Yang San, chính thức khai sinh và công nhận tên tuổi của vùng đất mới trên bản đồ. Tên gọi thôn Yang San được lấy từ tên của hai xã nhân dân sinh sống trước khi tái định cư gồm: xã Cư Yang (huyện Ea Kar) và xã Cư San (huyện M’Drắk) và đã được 100% cử tri đồng ý.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Cư Elang Lê Quảng Dương, ngay sau khi có nghị quyết của HĐND tỉnh, sự chỉ đạo của UBND huyện Ea Kar, xã Cư Elang đã tiến hành các bước để thành lập bộ máy chính quyền của thôn gồm ban tự quản lâm thời, mặt trận, công an viên, thôn đội trưởng, các đoàn thể nhằm thực hiện tốt công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, tổ chức tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động người dân yên tâm làm ăn, sinh sống, đảm bảo tốt an ninh nông thôn, an sinh xã hội. Đặc biệt, Đảng ủy xã đã chỉ đạo thành lập Chi bộ lâm thời thôn Yang San gồm 5 đảng viên, phân công đồng chí đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND xã làm Bí thư Chi bộ để cùng lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động của thôn.

Không chỉ chăm lo, hỗ trợ người dân an cư, các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh, huyện đã quan tâm thực hiện công tác an sinh xã hội, bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh; rà soát, lập danh sách, tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng theo quy định.

(Còn nữa) 

Kỳ 2: Xanh cánh đồng xanh cả ước mong

Nguyễn Xuân

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.