Multimedia Đọc Báo in

Sức sống mới nơi vùng đất mới (Kỳ cuối)

07:09, 05/11/2021

Tập trung hoàn thiện hạ tầng sản xuất

Dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng triển khai từ năm 2009 với tổng diện tích giải phóng mặt bằng gần 4.000 ha. Địa điểm triển khai dự án nằm trên địa bàn 4 huyện: Ea Kar, Krông Bông, M’Drắk, Krông Pắc; tổng chiều dài kênh mương 350 km, cung cấp nước tưới cho 14.900 ha cây trồng. Mỗi hộ thuộc diện tái định cư được bố trí 1,1 ha đất gồm: 0,1 ha đất ở và vườn; 0,5 ha đất lúa 2 vụ và 0,5 ha đất trồng cây hằng năm, lâu năm.

Hạ tầng của thôn Yang San đã dần hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Giai đoạn 2011 - 2017, UBND huyện Ea Kar được tỉnh giao làm chủ đầu tư dự án. Huyện đã tiến hành giải phóng mặt bằng 1.024 ha gồm: xây dựng hoàn chỉnh đập, hệ thống kênh hồ thủy lợi Ea Rớt, cụm đầu mối Hồ Krông Pách Thượng và khu tái định cư số 1 (xã Cư Elang). Riêng khu tái định cư số 1 cơ bản hoàn thiện, đủ điều kiện bố trí cho 300 hộ đến tái định cư. Khu vực sản xuất lúa nước đã giải phóng mặt bằng và khai hoang xây dựng đồng ruộng, thủy lợi nội đồng, cấp đất cho các hộ dân tái định cư. Khu vực sản xuất cây hằng năm, lâu năm đã giải phóng mặt bằng được 78/150 ha.

Từ năm 2018 đến nay, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh (gọi tắt là Ban tỉnh) được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư dự án. Ban tỉnh tiếp tục thực hiện các phần công việc còn lại gồm: giải phóng mặt bằng, giao đất ở, đất sản xuất, xây dựng kênh mương, chợ... tại khu tái định cư số 1 với sự phối hợp chặt chẽ của UBND huyện Ea Kar.

 
Đây là công trình trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk. Vì vậy, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tập trung thực hiện đúng tiến độ đề ra”
 
 Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị

Đến nay, các hạng mục như xây dựng đập chính Dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng, các tuyến kênh, khu tái định cư số 1, thi công xây dựng khu tái định cư số 2 (xã Cư Bông, huyện Ea Kar)... đã và đang được các đơn vị tập trung triển khai thực hiện.

Gỡ vướng để cấp đất trồng màu

Diện tích đất trồng màu tại khu tái định cư số 1 chưa giải phóng xong mặt bằng và hiện đang phải đo đạc lại. Hiện nay, tại thôn Yang San mới chỉ có 95 hộ được cấp đất trồng màu nên nhiều gia đình dù đã chuyển qua tái định cư được một thời gian nhưng vẫn chưa có đất để trồng các loại cây hằng năm, lâu năm. Nguyên nhân của tình trạng trên là do hiện còn 132 ha chưa giải phóng mặt bằng xong, trong đó bao gồm cả 110 ha phần mở rộng để cấp đất trồng màu cho người dân. Trong khi đó, bản đồ gốc của số diện tích này đã bị thất lạc dẫn đến không đủ cơ sở để chỉnh lý bản đồ và xuất trích lục, ảnh hưởng lớn đến công tác giải phóng mặt bằng. Để có cơ sở thực hiện, Ban tỉnh đã xin chủ trương và đến tháng 8-2021 mới được UBND tỉnh đồng ý cho tiến hành lại công tác đo đạc địa chính. Khối lượng công việc nhiều nhưng nguồn gốc đất đai phức tạp, việc xác nhận nguồn gốc đất của cấp xã hiện đang khó khăn. Một số hộ dân không hợp tác với chính quyền trong việc ký xác nhận đất giáp ranh hoặc đang đi làm ăn xa và chưa thể về được do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo bà Đinh Thị Phương Lập, Phó Phòng Đền bù và giải phóng mặt bằng, Ban tỉnh, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng khá nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người nên cần làm thận trọng, chặt chẽ ngay từ đầu, tránh tranh chấp, kiện tụng về sau. Hiện nay, đơn vị được thuê đo đạc đất đang tích cực phối hợp với UBND xã Cư Elang vận động người dân hợp tác, ký xác nhận đất khu vực giáp ranh để cắt trích lục, biên tập, nghiệm thu bản đồ, trình phê duyệt, rồi tiến hành đo đạc, kiểm đếm, đền bù, lập, công khai phương án và bàn giao đất cho các hộ.

Hệ thống điện, đường, trường, trạm tại thôn Yang San được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân.

Cũng theo bà Lập, với số diện tích lớn, trên 100 ha thì cần lập nhiều phương án. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ, rất cần sự đồng thuận, hợp tác của người dân, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cấp xã và các đơn vị liên quan. Ban tỉnh sẽ làm theo hình thức “cuốn chiếu”, giải phóng mặt bằng đến đâu, hoàn thiện thủ tục, bàn giao đất đến đó để người dân sản xuất, yên tâm gắn bó, xây dựng cuộc sống.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.