Theo những mùa lúa rẫy
Cứ độ tháng 11 hằng năm, lúc tiết trời chuyển sang hanh khô là thời điểm bà con đồng bào M’nông tại các xã Đắk Phơi, Đắk Nuê, Krông Nô... trên địa bàn huyện Lắk lại trèo đèo, vượt núi thu hoạch lúa rẫy.
Tại đồi Tiểu khu 1427 (thuộc xã Krông Nô, huyện Lắk) vào dịp này, từng nhóm người thoăn thoắt tuốt những bông lúa vàng óng ả bằng đôi tay gân guốc của mình. Dẫu hiệu quả kinh tế không cao, nhưng với đồng bào M’nông thì hạt lúa rẫy có giá trị tinh thần rất lớn đối với họ. Theo nhiều người cao tuổi ở huyện Lắk, từ xa xưa, người M’nông đã có truyền thống trồng lúa rẫy. Đối với họ, cây lúa rẫy không chỉ đơn thuần mang lại lương thực duy trì cuộc sống mà còn mang tín ngưỡng, bản sắc văn hóa riêng. Do đó, vào thời điểm lúa chín, bà con phải tuốt lúa về giã ra cúng các vị thần linh trước rồi mới được thu hoạch.
Bà con người M'nông tại buôn Trang Yúk, xã Krông Nô (huyện Lắk) thu hoạch lúa rẫy. |
Khác với lúa nước, lúa rẫy có thời gian sinh trưởng và phát triển lâu hơn, theo đó từ khi trỉa hạt đến lúc thu hoạch khoảng hơn 6 tháng. Bắt đầu vào mùa mưa hằng năm, người M’nông lại lên đồi phát dọn cây cỏ, đến mùa mưa vào đầu tháng 5, khi rẫy đã được đốt xong, dọn sạch để lại trên mặt đất một lớp tàn tro và phần đất khá màu mỡ bên dưới, lúc ấy bà con mới mang gùi lên rẫy trỉa lúa. Những chiếc gậy được vót nhọn là dụng cụ dùng để chọc lỗ trỉa giống. Lúa rẫy phát triển hầu như dựa vào các điều kiện tự nhiên, bà con không hề sử dụng thuốc hóa học trong quá trình chăm sóc.
Do rẫy xa nhà, địa hình đi lại khó khăn nên khi vào vụ, bà con phải chuẩn bị đồ ăn, nước uống và dụng cụ sẵn sàng cho một ngày dài thu hoạch lúa. Từ tờ mờ sáng, anh Y Than Ndu (buôn Trang Yúk, xã Krông Nô) cùng bà con họ hàng đã xếp những bao đựng lúa, thức ăn nấu sẵn vào gùi lên rẫy tuốt lúa. Rẫy lúa nhà anh cách nhà tầm 10 km nên phải dùng xe máy cày để tới thu hoạch, chở về. Hạt lúa rẫy to tròn, chắc nịch, vàng ươm, những cây lúa vươn mình cao tầm một mét nhưng anh cùng bà con không dùng liềm hay máy để gặt mà dùng tay tuốt. Bởi anh Y Than và bà con ở đây quan niệm, đó là tín ngưỡng, văn hóa riêng, nhờ các vị thần linh phù hộ mới có lúa rẫy nên dùng liềm hay máy cắt sẽ làm đau họ, mùa sau sẽ không có thu hoạch. Hơn nữa, tuốt bằng tay sẽ tách được hạt thóc ra không phải tốn tiền hay mất thời gian thuê máy tuốt lúa.
Những bông lúa rẫy nặng trĩu hạt, chín vàng ươm. |
Cách đó không xa, trên ngọn đồi bên cạnh, gia đình chị H’Lý Tryék (buôn Trang Yúk, xã Krông Nô) đang rộn ràng cười nói và tuốt những bông lúa trĩu hạt. Vẫn những đôi bàn tay trần, từ đàn ông đến phụ nữ thoăn thoắt tuốt đầy từng gùi lúa. Chị H’Lý bộc bạch, lúc còn nhỏ, chị thường theo cha mẹ lên rẫy, được tập tành tuốt lúa, ban đầu hai bàn tay cũng đau nhức, thậm chí đầy vết xước, song làm mãi thành quen. Giờ đây, đối với chị, việc tuốt lúa bằng tay trở thành công việc bình thường như những việc khác.
Trong cuộc sống hằng ngày của bà con M’nông, lúa rẫy là nguồn lương thực không thể thiếu. Ngoài nấu cơm, vào những ngày lên rẫy, bà con còn nấu cháo bầu từ gạo rẫy để giữ được vị ấm nóng. Gạo nấu qua đêm sau đó bỏ vào trong vỏ bầu khô ủ, sáng sớm lên rẫy chỉ cần đổ nước vào phơi nắng đến trưa ăn sẽ có vị chua chua, thơm mùi gạo. Đặc biệt, rượu nấu từ gạo rẫy sẽ có vị cay nồng, thơm hơn các loại rượu khác.
Qua nhiều thế hệ, lúa rẫy vẫn gắn bó, là một phần không thể thiếu trong bữa ăn, tín ngưỡng của người M’nông tại huyện Lắk. Những năm gần đây, do chuyển đổi diện tích trồng cà phê, tiêu... và các loại cây lâm nghiệp nên diện tích trồng lúa rẫy dần bị thu hẹp. Tuy nhiên, tận dụng đất ở những đồi trọc hay vùng mới trồng cây lâm nghiệp từ 1 - 2 năm tuổi, bà con nơi đây vẫn trỉa hạt để giữ gìn truyền thống văn hóa lúa rẫy của đồng bào mình.
Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc