Multimedia Đọc Báo in

Thương mại điện tử: Khơi thông điểm nghẽn cho hàng hóa nông sản (Kỳ cuối)

08:01, 19/11/2021

Kỳ cuối: Cần lực đẩy để đi đường dài

Thương mại điện tử (TMĐT) là một kênh bán hàng quan trọng trong thời đại 4.0 và hàng hóa nông sản của Đắk Lắk đang bắt đầu nhập cuộc vào “sân chơi” này. Tuy nhiên, để người sản xuất, kinh doanh nông sản không bị “hụt hơi”, Đắk Lắk cần có nhiều giải pháp căn cơ.

Tập trung chuyển đổi số

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 10 nghìn doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, chủ yếu là trong lĩnh vực nông nghiệp, DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ chiếm tỷ lệ thấp. Vì vậy, việc tiếp cận với chuyển đổi số là nhu cầu cấp thiết hiện nay của DN, nhất là DN trẻ, DN khởi nghiệp.

Ông Huỳnh Văn Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhìn nhận, quá trình thay đổi từ mô hình DN truyền thống sang DN số bằng việc áp dụng công nghệ mới đã thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc tại DN và mang đến nhiều hiệu quả tích cực. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhiều DN của tỉnh đã tìm hướng đi mới, chủ động áp dụng chuyển đổi số trong vận hành để duy trì tối đa hoạt động sản xuất - kinh doanh tại đơn vị. Điều này góp phần giúp DN ứng phó và tiếp tục phát triển trong đại dịch.

Tính đến nay, toàn tỉnh mới có 10 DN thực hiện chuyển đổi số, tiêu biểu như: Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái, Công ty TNHH Vận tải ô tô An Phước, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Đăng Phong…

Sản phẩm nông sản của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk đang được bán trên sàn TMĐT toàn cầu Amazon.

Đồng hành với DN trong quá trình chuyển đổi số, tháng 4-2021, Hiệp hội đã thành lập Trung tâm Kết nối chuyển đổi số, thiết lập hệ thống đối tác chiến lược bài bản gồm 4 đối tác chiến lược nền tảng: MISA Đắk Lắk, VNPT Đắk Lắk, Viettel Đắk Lắk, FIS và hơn 20 đối tác chiến lược về tư vấn - hoạch định, giải pháp số cho thương mại, quản trị khu vực sản xuất…  Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài tỉnh tổ chức nhiều chương trình, hội thảo trực tuyến về chuyển đổi số như: “Đêm trước chuyển đổi số – Những thứ cần cởi bỏ trước hành trình”, “Chuyển đổi số thương mại hóa nông sản”… Trong bối cảnh dịch bệnh, lần đầu tiên, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức hoạt động liên quan đến chủ đề chuyển đổi số cùng với các đối tác trong nước và quốc tế như Co4Growth & Google, YBI, SVF, MSC. Với mô hình vừa kết nối với các đối tác bên ngoài để vừa thúc đẩy sự phát triển bên trong cộng đồng DN tỉnh, Trung tâm Kết nối chuyển đổi số đang thực hiện đúng vai trò mà Hiệp hội đã phân công theo một phương thức kết nối mở, ưu tiên lựa chọn công nghệ và chuyển đổi số làm đòn bẩy. Bên cạnh đó, Thường trực Ban Chấp hành Hiệp hội cũng đã thông qua Khung chương trình kích hoạt chuyển đổi số chuyên sâu (INNO-10) nhằm phục vụ các DN của tỉnh trong vấn đề này.

Tuy nhiên theo ông Dũng, vẫn còn nhiều DN của tỉnh chưa thật sự quan tâm và sẵn sàng thay đổi để triển khai thực hiện chuyển đổi số. DN ngại thay đổi thói quen trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, chưa chịu chuyển đổi “tư duy 4.0”, chưa nhận thức hết tầm quan trọng của chuyển đổi số, từ đó dẫn đến DN chưa đầu tư kinh phí, nhân sự, cơ sở hạ tầng để bắt nhịp xu hướng mới… Đây là những thách thức lớn của chuyển đổi số trên địa bàn.

Từ những hạn chế trên, ông Dũng mong muốn Nhà nước cần tiếp tục có sự hỗ trợ về kinh phí, cơ sở pháp lý, nguồn lực đầu tư, có thêm nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong DN trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

Đẩy mạnh hỗ trợ cho các hộ sản xuất

Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh có 226 tổ hợp tác, 324 HTX đang hoạt động và 716 trang trại theo tiêu chí của Bộ NN-PTNT. Trong đó, mới có 54 HTX nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao, 80 HTX và 216 trang trại, gia trại tham gia liên kết với doanh nghiệp. Trong khi đây là bước đi cần thiết, giúp kinh tế tập thể nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và trình độ sản xuất của nông dân trong xu thế hội nhập và phát triển.

Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất cà chua Nova tại Công ty TNHH Ban Mê Green Farm.

Để tạo thêm đòn bẩy cho kinh tế nông hộ phát triển trong bối cảnh đại dịch, mới đây UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) tiếp cận sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Đắk Lắk năm 2021.

Mục tiêu đặt ra là sẽ có 150 hộ SXNN tham gia tập huấn về kỹ năng số và kỹ năng hoạt động trên môi trường mạng, được đào tạo, tập huấn thực hiện quy trình đóng gói, kết nối giao nhận sản phẩm nông nghiệp; có 100 hộ SXNN có tài khoản bán hàng, gian hàng trên sàn TMĐT, có tài khoản thanh toán điện tử; có 10 loại sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh được quảng bá, giới thiệu trên sàn TMĐT và phát sinh sản lượng tiêu thụ qua sàn TMĐT đối với loại nông sản tại cao điểm thu hoạch.

Theo kế hoạch, Đắk Lắk sẽ tập trung hỗ trợ hộ SXNN tiếp cận sàn TMĐT thông qua các hoạt động như: xây dựng gian hàng số cho hộ SXNN trên địa bàn tỉnh; lựa chọn hộ SXNN đủ điều kiện, có sản phẩm đạt các chứng chỉ, chứng nhận, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng để tập trung hỗ trợ, xây dựng thương hiệu; tổ chức đào tạo, hướng dẫn kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; hướng dẫn thực hiện quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận để hộ SXNN tác nghiệp trong quá trình kết nối mua bán trên sàn TMĐT; tuyên truyền, hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc và vận động hộ SXNN áp dụng quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ cung cấp thông tin, sản phẩm đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh, như: Thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin về thời tiết, mùa vụ, giống, phân bón...; cung cấp các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào, các công cụ phục vụ SXNN có thương hiệu, bảo đảm chất lượng và phù hợp với nhu cầu của hộ SXNN để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; phối hợp với nhà cung cấp các sản phẩm đầu vào của SXNN để có chính sách ưu đãi cho hộ SXNN tham gia sàn TMĐT...

Hiện tại, Sở NN-PTNT đang phối hợp với các đơn vị tăng cường công tác truyền thông để vận động các hộ SXNN số hóa dữ liệu chăn nuôi, trồng trọt, chế biến và phân phối thông qua ứng dụng nhật ký điện tử và sử dụng tem truy xuất nguồn gốc để làm cơ sở đưa sản phẩm có chất lượng giao dịch trên sàn TMĐT. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ hộ SXNN tham gia sàn TMĐT, phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn.

Để kết nối hiệu quả trên nền tảng này, DN, HTX cần được đào tạo để đáp ứng các yêu cầu về giao dịch, mua bán sản phẩm trên sàn TMĐT. Chỉ khi hộ sản xuất nông nghiệp nhận thức đầy đủ và nắm vững các quy trình, nội dung trên thì việc kinh doanh TMĐT mới mang lại hiệu quả như mong muốn.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong và ngoài nước thông qua ứng dụng TMĐT, cụ thể: doanh số TMĐT B2C (DN với khách hàng) tăng 10%/năm; giao dịch TMĐT xuyên biên giới B2B chiếm 5 - 10% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025; có 40% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến tăng 10%/năm. Về ứng dụng TMĐT trong DN: có 50% website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 60% DN vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn TMĐT…

Minh Thuận - Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.