Xuất khẩu nông sản: Thị trường Trung Quốc không còn “dễ tính”
Với dân số hơn 1,4 tỷ người, Trung Quốc được coi là thị trường tiềm năng để khai thác, tiêu thụ hàng hóa.
Theo Bộ Công thương, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ) và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối các nước ASEAN. Đối với mặt hàng nông sản và thủy sản, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng đạt 8,9%/năm trong giai đoạn 2015 - 2020.
Riêng tại Đắk Lắk, giai đoạn 2016 - 2020, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt hơn 2,9 tỷ USD, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm 4,5%, với các mặt hàng như cà phê nhân, cà phê hòa tan, cao su, tinh bột sắn, hạt điều và trái cây. Thậm chí, với một số mặt hàng như hạt điều, tinh bột sắn thì sản lượng xuất sang thị trường này chiếm đến hơn 50%.
Sản phẩm cà phê An Thái tham gia trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ - Triển lãm Hàng hóa xuất nhập khẩu Trung Quốc năm 2019. |
Không chỉ lợi thế ở sức tiêu thụ mạnh, sức hấp dẫn của thị trường này còn nằm ở chỗ không đòi hỏi quá khắt khe về các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật hàng hóa như các thị trường khác. Trung Quốc vốn được coi là thị trường khá “dễ tính”. Thời gian qua, có nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh xuất sang thị trường này theo đường tiểu ngạch. Thế nhưng cũng vì chính điều này đã khiến một số mặt hàng xuất khẩu của tỉnh phụ thuộc lớn vào một thị trường nhất định là Trung Quốc và không chú trọng vấn đề truy xuất nguồn gốc, xuất xứ... dẫn đến rủi ro cao.
Từ năm 2018, Trung Quốc đã bắt đầu kiểm soát, siết chặt quản lý hàng hóa. Mới đây nhất, phía Trung Quốc đã có những quy định mới khắt khe hơn áp dụng đối với mặt hàng nông sản xuất khẩu từ Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. Ngoài ra, Trung Quốc cũng siết chặt hơn về vấn đề an toàn thực phẩm, hàng rào kiểm dịch. Đặc biệt, Trung Quốc không chỉ yêu cầu về bao bì, mẫu mã mà còn đòi hỏi về nội dung hồ sơ...
Sầu riêng là một trong những hàng hóa nông sản của Đắk Lắk được thị trường Trung Quốc ưa chuộng. |
Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương nhìn nhận, Trung Quốc đã có những thay đổi trong chính sách xuất nhập khẩu. Điều này cho thấy việc xâm nhập vào thị trường này không còn đơn giản như trước kia, buộc doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng với quy định mới trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm. Để giữ vững và tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đòi hỏi doanh nghiệp của tỉnh phải nhanh chóng thay đổi để tiếp cận các yêu cầu về hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Cụ thể, doanh nghiệp Đắk Lắk cần nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi phương thức bảo quản cũng như tăng cường kiểm tra lấy mẫu các lô hàng nông sản xuất khẩu, nghiêm túc thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận. Cùng với đó, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường Trung Quốc, nắm vững hệ thống chính sách, nhất là cập nhật chính sách biên mậu để biết những thay đổi từ phía chính quyền sở tại, nắm rõ những quy định về thủ tục thông quan hàng hóa, kiểm dịch thực vật nhập khẩu… Tiến sâu hơn, doanh nghiệp của tỉnh cần tiếp cận các chính sách xuất nhập khẩu, các quy định về chất lượng sản phẩm và thị hiếu tiêu dùng của từng địa phương tại Trung Quốc để chủ động trong kế hoạch kinh doanh ở các phân khúc của thị trường này.
Hỗ trợ doanh nghiệp tiến sâu vào thị trường này, ngành công thương tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác tập huấn, phổ biến, cập nhật các thông tin về quy định xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là các quy định về kiểm dịch, kiểm nghiệm, thủ tục thông quan cho các cơ quan quản lý, hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của tỉnh được biết. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động khảo sát thị trường, công tác xúc tiến thương mại, chú trọng tổ chức doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm lớn, có uy tín tại Trung Quốc theo hướng có trọng tâm, trọng điểm với từng chủng loại sản phẩm…
Tỉnh Đắk Lắk đã có đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương đẩy mạnh công tác đàm phán với các cơ quan hữu quan của phía Trung Quốc để mở rộng danh mục các sản phẩm trái cây của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong đó Đắk Lắk có hai loại trái cây sản lượng lớn là sầu riêng và bơ. |
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc