Multimedia Đọc Báo in

Giá phân bón tăng đột biến, nông dân lao đao

06:10, 28/12/2021

Trong những ngày qua, giá phân bón tiếp tục tăng mạnh khiến nhà nông càng thêm áp lực trong việc chăm sóc vườn cây của mình.

Ghi nhận tại các đại lý kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh, từ tháng 4/2021 đến nay, giá phân bón tăng liên tục. Giá các loại phân bón đã tăng từ 60 - 80%, thậm chí có loại tăng gấp đôi so với trước. Cụ thể, nếu như trước đây phân kali nhập khẩu có giá 7.000 đồng/kg thì nay tăng lên 14.000 đồng/kg, S.A (Sunphat) nhập khẩu tăng 600.000 đồng/tấn, hiện có giá 500.000 đồng/bao (loại 50 kg). Urê trong nước của Cà Mau, Phú Mỹ từ 10.000 đồng/kg đã tăng lên 18.000 đồng/kg; NPK Việt Nhật tăng thêm 6.000 đồng/kg, hiện có giá 16.000 đồng/kg.

Ông Võ Huy Chính, chủ đại lý phân bón Huy Chính (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, hơn 30 năm kinh doanh mặt mặt hàng này, chưa bao giờ ông chứng kiến giá phân bón tăng kỷ lục như lúc này, và cũng chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ông Chính cũng cho biết thêm: Giá phân bón không chỉ tăng đột biến mà tình trạng khan hiếm hàng cũng đang xảy ra. Không phải muốn mua bao nhiêu cũng có như trước. Một nhà phân phối chỉ lấy được khoảng 100 tấn mỗi lần nhập hàng. Thậm chí, có những thời điểm nguồn cung một số loại phân bón rơi vào cảnh bị “đứt hàng”.

Lý giải cho tình trạng này, theo các đại lý kinh doanh, giá phân bón thế giới tăng nên các nhà máy sản xuất trong nước cũng phải tăng theo. Có loại, trong một tháng đã tăng giá đến hai lần. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến chi phí vận chuyển tăng cũng đẩy giá phân bón tăng thêm một nấc mới.

Phân bón bán ra trên thị trường đang có giá cao.

Giá tăng cao, việc mua bán khó khăn hơn. Theo ghi nhận, năm nay lượng phân bón bán ra thị trường giảm sút mạnh. Ông Ngô Trọng Đạt, chủ một đại lý kinh doanh phân bón ở xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, mọi năm vào mùa mưa, người dân tập trung mua phân với số lượng lớn. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế khó khăn hơn, sức mua phân bón đã giảm khoảng 40%. Người dân không có xu hướng mua dự trữ để dùng dần như trước đây nữa, khi nào thật cần thiết mới mua để tiết giảm chi phí.

Giá phân bón tăng cao tác động lớn đến việc sản xuất khiến nhiều nhà nông thấp thỏm, lo lắng. Anh Đỗ Hồng Tới (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) chia sẻ, anh có 2,5 ha trồng cà phê, bình quân mỗi năm bón 4 đợt phân với tổng cộng gần 8 tấn. Giá phân bón hiện đã tăng gần gấp đôi khiến chi phí đầu tư của nhà nông bị đội thêm rất nhiều. Để đối phó với việc giá phân bón leo thang, anh Tới đã chọn cách bón với số lượng ít lại để giảm chi phí đầu tư.

Theo đại diện Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, từ cuối năm 2020, chi phí sản xuất cao nên đơn vị cũng điều chỉnh giá bán phù hợp theo quy luật thị trường. Hiện công ty có trên 100 sản phẩm NPK, trong nỗ lực để cân bằng lợi ích nhà nông, ở một số dòng sản phẩm chính, có nhu cầu tiêu thụ cao đối với các tỉnh khu vực Tây Nguyên thì hiện đơn vị có mức tăng từ 25 - 28% tùy loại. Doanh nghiệp một mặt chủ động bảo đảm nguồn cung, mặt khác yêu cầu nhà phân phối không găm hàng, cung ứng kịp thời nguồn hàng phục vụ bà con nông dân. Hiện nay, khu vực Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn mùa khô nên với dòng sản phẩm chuyên dùng là phân bón Đầu trâu mùa khô, công ty đang đẩy mạnh phân phối đến các đại lý nhằm hỗ trợ nông dân đầu tư sản xuất trong thời điểm giá các sản phẩm phân bón trong nước đang trên đà tăng mạnh.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp nên nhu cầu tiêu thụ phân bón trên địa bàn khá cao. Năm 2021, ước tính lượng phân bón sử dụng ở Đắk Lắk khoảng hơn 1,2 triệu tấn. Giá phân bón hiện đang tăng cao đã gây không ít áp lực cho người nông dân. Ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo, nông dân nên sử dụng phân bón hợp lý, đồng thời tăng cường sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây trồng, thay thế các loại phân hóa học nhằm giảm chi phí đầu vào và góp phần cải tạo đất, giúp cây trồng sinh trưởng tốt.

Duy Khôi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.