Multimedia Đọc Báo in

Giá rau xanh tăng cao: Nông dân có hưởng lợi?

07:58, 15/12/2021

Thời tiết không thuận lợi, cộng với mưa nhiều trong thời gian vừa qua đã làm nguồn cung rau xanh giảm mạnh khiến giá rau củ tại địa phương tăng đột biến. Tuy vậy, liệu người sản xuất có được hưởng lợi từ giá rau tăng?

Giá rau biến động

Theo tiểu thương ở các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, hơn một tuần trở lại đây, giá rau xanh đã tăng từ 7.000 – 15.000 đồng/kg (tùy loại).

Cụ thể: rau xà lách tăng từ 20.000 đồng lên 35.000 đồng/kg; cải thìa từ 12.000 đồng tăng lên 20.000 đồng/kg; cải ngọt đã tăng từ 10.000 đồng lên 17.000 đồng/kg; bắp sú từ 20.000 đồng tăng lên 30.000 đồng/kg. Giá các loại củ, quả cũng tăng đáng kể, khoảng 10.000 đồng/kg, hiện cà rốt có giá 25.000 đồng/kg, dưa leo 25.000 đồng/kg, đậu cô ve 30.000 đồng/kg…

Một số tiểu thương tại chợ trung tâm Buôn Ma Thuột cho biết, giá rau trở nên đắt đỏ là do nguồn cung khan hiếm hơn trước, giá nhập vào cao nên tiểu thương phải bán giá cao. Tương tự, tại các chợ khác như: chợ Nguyễn Viết Xuân, Tân An… quầy rau, củ cũng trở nên thưa thớt, ít chủng loại hơn hẳn.

Khách hàng mua rau tại chợ trung tâm Buôn Ma Thuột. Ảnh: Thuận Lan 

Lý giải nguyên nhân, chị Nguyễn Thị Phước, bán rau tại chợ Tân Thành cho hay, do thời tiết không thuận lợi nên cây rau phát triển chậm, dễ bị dập úng, không đủ cung ứng cho thị trường, đẩy giá lên cao. Thêm vào đó, nguồn hàng nhập từ các vựa rau trong tỉnh cũng không còn đa dạng như trước.

Dù rau tăng giá mạnh nhưng do đây là thực phẩm thiết yếu cho bữa ăn hằng ngày nên sức tiêu thụ vẫn không hề giảm. Chị Phan Thị Hương, tiểu thương quầy thực phẩm tươi sống tại chợ trung tâm Buôn Ma Thuột chia sẻ, lượng người đến chợ có ít hơn so với trước do hạn chế ra đường để phòng dịch COVID-19, nhưng sức mua rau, củ vẫn không hề giảm. Mặc dù giá rau nhập vào tăng mạnh, tiểu thương như chị chấp nhận lãi ít (tăng giá ít) để giữ lượng khách ổn định.

Nhiều người tiêu dùng cho hay, giá rau tăng cao càng tạo thêm áp lực chi tiêu cho họ thời điểm này. Chị Lương Thị Lý (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, chị bất ngờ với giá rau xanh. Hầu hết các loại rau đều có giá trên 15.000 đồng/kg. Có loại đã tăng gần gấp hai lần so với trước. Do đó, mỗi khi đi chợ, chị phải tính toán, cân nhắc chi tiêu cho hợp lý với tài chính của gia đình.

 

Theo nhiều tiểu thương kinh doanh mặt hàng rau thì thông thường, vụ rau gần cuối năm dương lịch bao giờ cũng có giá cao hơn ngày thường do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết. Nhưng hy vọng giá rau mấy ngày tới sẽ hạ nhiệt, vì thời tiết ở địa phương đang có xu hướng nắng trở lại.

Nông dân vẫn kém vui

Ông Nguyễn Bá Ngọc, Tổ trưởng Tổ hợp tác rau xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) cho biết, tổ hợp tác có 7 ha, với 16 thành viên, canh tác đủ các loại rau nhưng chiếm ưu thế là rau bồ ngót. Trung bình mỗi tháng cung cấp ra thị trường khoảng 10 tấn rau, củ các loại, mang lại thu nhập cho thành viên hơn 10 triệu đồng/sào/vụ (trồng 2 – 3 vụ rau/năm).

Giá rau đợt này tăng rất cao, gấp 2 - 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ vừa qua ở trên địa bàn tỉnh cũng như ở các tỉnh miền Trung khiến nhiều diện tích rau màu bị hư hại dẫn đến rau xanh khan hiếm làm giá rau xanh tăng cao. Mặc dù giá rau tăng cao như vậy nhưng lợi nhuận mang lại cho nông dân chưa tương xứng vì giá vật tư đầu vào cũng tăng cao ngất ngưởng. “Giá phân bón so với năm ngoái cũng tăng gấp đôi, gấp ba. Một bao phân tổng hợp năm ngoái giá 500 nghìn đồng, năm nay đã lên đến 1 triệu đồng, có loại lên đến 1,3 triệu đồng/bao. Đó là chưa kể các loại vật tư khác phục vụ cho sản xuất cũng tăng cao… Cho nên nhìn vào giá rau tăng cứ nghĩ nông dân được hưởng lợi nhưng thực chất thu nhập từ rau xanh cũng rất bấp bênh”, ông Nguyễn Bá Ngọc chia sẻ thêm.

Trồng rau trong nhà màng tại Hợp tác xã Sản xuất rau an toàn công nghệ cao Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin). Ảnh: Thuận Lan

Tương tự, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất rau an toàn công nghệ cao Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) với tổng diện tích 11 ha trồng các loại rau ăn lá, củ, quả và có trên 10 thành viên tham gia; sản lượng đạt trên 100 tấn/năm. Theo bà Nguyễn Thị Kiều Kim Thoa, Giám đốc HTX, mặc dù giá rau hiện tăng gấp đôi, gấp ba so với cùng kỳ năm ngoái nhưng canh tác rau theo quy trình an toàn tốn rất nhiều chi phí và công lao động. Trong khi đó, vật tư đầu vào lại tăng rất cao, từ phân bón, dầu phục vụ máy tưới, giống, công lao động… Hiện nay, chi phí đầu tư cho 1 ha rau tăng lên khoảng 30% so với năm ngoái nên lợi nhuận từ giá rau tăng mang lại cho nông dân gần như không có.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, diện tích gieo trồng rau vụ thu đông gần 4.000 ha, tăng trên 300 ha so với kế hoạch. Những tháng qua, do ảnh hưởng mưa lớn, lũ thường xuyên nên có hàng nghìn héc ta rau bị thiệt hại và ảnh hưởng năng suất, chất lượng. Việc thu hoạch rau ăn lá khi gặp thời tiết bất lợi cũng hư hao nhiều, do vậy, nguồn cung có hạn chế nhất định... dẫn đến giá rau tăng cao. Chi cục cũng đã yêu cầu phòng NN-PTNT các địa phương tăng cường hướng dẫn nông dân sản xuất rau bằng phương pháp che phủ, tránh rau bị dập nát khi gặp mưa lớn... Về lâu dài cần nhân rộng các mô hình sản xuất rau ăn lá áp dụng màng phủ để khắc phục bất lợi về thời tiết, sâu bệnh hại... nhằm tăng năng suất cây trồng.

Minh Thuận - Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.