Hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ
Tại nhiều địa phương trong tỉnh, nông dân đã và đang chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ truyền thống sang hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng nông sản, hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ đất nông nghiệp.
Nhận thấy vườn cà phê với diện tích gần 4 ha đến thời kỳ già cỗi, năng suất giảm, cách đây 3 năm, được sự tư vấn từ Hội Nông dân xã, anh Lưu Tấn Văn (xã Ea Bông, huyện Krông Ana) đã quyết định cưa toàn bộ cây già để ghép cải tạo bằng các giống cà phê mới cho năng suất cao hơn; đồng thời trồng xen tiêu và một số loại cây ăn trái khác như sầu riêng, bơ, mãng cầu…
Bên cạnh việc lựa chọn cây giống chất lượng, anh Văn đã ủ phân vi sinh để thay thế các loại phân hóa học trước đây, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại theo phương pháp hữu cơ nên vừa giảm chi phí đầu tư mà vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế. Hiện tại, vườn cây phát triển khá đồng đều. Năm nay, cà phê đã cho thu bói, riêng hơn 100 cây sầu riêng Dona đã cho thu hoạch trên 5 tấn quả.
Ban Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thắng hướng dẫn nông hộ quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. |
Anh Văn chia sẻ: “Sản xuất cà phê trong những năm gần đây gặp nhiều tác động bất lợi từ tự nhiên như hạn hán, mưa trái mùa, đã vậy giá bán lại thấp, trong khi các chi phí đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng đã khiến người trồng cà phê gặp nhiều khó khăn. Việc sản xuất theo hướng hữu cơ sẽ giúp người trồng cà phê tiết giảm được chi phí đầu vào khi hạn chế sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật”.
“Sản xuất theo hướng hữu cơ giúp cây ra nhiều nhánh, tỷ lệ cành chết thấp, khả năng chống chịu được hạn hán trong mùa khô cao. Ngoài ra, hệ vi sinh vật đa dạng, đất trở nên tươi xốp, nhiều chất dinh dưỡng giúp cây cho năng suất cao hơn". anh Nguyễn Văn Dương, nông dân ở thôn 5A, xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo |
Với diện tích 3 ha cà phê của gia đình tham gia sản xuất theo hướng hữu cơ từ sự hỗ trợ của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đại Thắng, anh Nguyễn Văn Dương (thôn 5A, xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo) dự tính năng suất năm nay sẽ tăng hơn nhiều so với những năm trước đây. Tất cả đều nhờ vào những thay đổi trong quy trình chăm sóc cà phê theo hướng hữu cơ, quá trình canh tác luôn được kiểm soát chặt chẽ các yếu tố, đảm bảo nguồn nước và đất sạch, không nhiễm hóa chất để cây thuận lợi phát triển.
Thành lập từ năm 2020, hiện nay HTX Nông nghiệp Đại Thắng có 27 thành viên canh tác trên diện tích 50 ha cà phê xen các loại cây ăn trái. Từ khi tham gia vào HTX, nhờ được tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật, các thành viên đều chuyển sang sản xuất theo hướng VietGap, hữu cơ. Ngoài việc không sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ, hạn chế phân bón hóa học, các thành viên HTX đã tận dụng vỏ cà phê để làm phân vi sinh bón cho cây trồng, qua đó không những tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận mà còn hạn chế ô nhiễm môi trường. Hiện các sản phẩm cà phê canh tác theo hướng hữu cơ của HTX đang được thu mua cao hơn giá thị trường 10.000 đồng/kg.
Ông Lê Thế Thông, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Thắng cho hay: Sau gần 2 năm tham gia HTX, các thành viên đã thấy được những lợi ích thiết thực mang lại từ việc phát triển cà phê theo hướng hữu cơ. Nông dân được trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao và thay đổi tập quán canh tác ngay trên vườn cà phê của mình. Một điều quan trọng nữa là được HTX bao tiêu sản phẩm đầu ra nên bà con trồng cà phê ở địa phương đã yên tâm áp dụng các quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ và tin tưởng vào sự phát triển bền vững của mô hình này.
Gia đình anh Lưu Tấn Văn (xã Ea Bông, huyện Krông Ana) chăm sóc vườn cây. |
Xác định sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu nhằm nâng cao chất lượng nông sản, giảm thiểu tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng cũng như môi trường sống, thời gian qua Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã phối hợp xây dựng và nhân rộng được nhiều HTX hoạt động có hiệu quả và tham gia vào liên kết chuỗi sản xuất cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, lúa gạo và rau củ quả theo hướng hữu cơ; xây dựng chứng nhận an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP cho gần 40 sản phẩm của các HTX, tổ hợp tác và chi, tổ, hội nghề nghiệp; phát triển các loại hình cà phê, hồ tiêu bền vững/có chứng chỉ 4C, UTZ certified, RFA và Fairtrade. Từ các mô hình HTX, tổ hợp tác, các cấp hội đã chủ động tìm kiếm doanh nghiệp, phối hợp với các ban, ngành liên quan xây dựng và duy trì 6 mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và HTX, tổ hợp tác; 7 mô hình liên kết giữa doanh nghiệp trực tiếp với hộ nông dân, trang trại.
Thực tế cho thấy sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ mang lại những lợi ích rõ rệt. Tuy nhiên khi triển khai thực hiện, nhiều nông hộ vẫn gặp những khó khăn, như tuân thủ các nguyên tắc canh tác hữu cơ thì cần tăng vốn đầu tư, trong khi sản phẩm hữu cơ bán ra thị trường còn chậm, chưa được người tiêu dùng hưởng ứng rộng rãi. Ông Lại Hồng Anh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng để hỗ trợ đào tạo nông dân chuyển đổi sản xuất. Trong đó tập trung tư vấn việc chọn giống, vật tư; đồng thời hướng dẫn triển khai thu mua tập trung nhằm bảo đảm đầu ra bền vững và lâu dài cho sản phẩm hữu cơ”.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc